Lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Long An nói gì về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011?. Mặc dù mới được thực hiện nghiên cứu và công bố từ năm 2005 nhưng Chỉ số PCI đang ngày càng có “sức nặng” trong việc cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2011, Lào Cai có bước tiến vượt bậc khi vươn lên đầu bảng xếp hạng PCI |
“Tiếng nói” quan trọng của doanh nghiệp
Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011.
9 tiêu chí trong chỉ số PCI: 1. Chi phí gia nhập thị trường. 2. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. 3. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. 4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước. 5. Chi phí không chính thức. 6. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh. 7. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 8. Đào tạo lao động. 9. Thiết chế pháp lý. |
Chỉ số PCI, bao gồm 9 chỉ số thành phần (chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tính năng động và sáng tạo của lãnh đạo tỉnh...), phản ánh chất lượng điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân của các tỉnh. Mỗi năm, nhóm nghiên cứu PCI đến hơn 20 tỉnh, thành để tiến hành phân tích chẩn đoán, trao đổi cụ thể về những điểm mạnh, điểm yếu trong điều hành của từng địa phương, đồng thời chia sẻ những thực tiễn tốt giúp các địa phương cải thiện điểm số PCI của mình.
Nhờ vậy những năm qua, PCI là “tiếng nói” quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) dân doanh về môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Không chỉ là một bảng xếp hạng đơn thuần, PCI đang dần trở thành tấm gương tự soi mình và góp phần tạo động lực cải cách đối với lãnh đạo các địa phương; là thước đo về mức độ thực thi và hiệu quả của nhiều chính sách của Chính phủ; là kênh thông tin tin cậy và khách quan đối với các nhà đầu tư và các DN; và là nguồn thông tin hữu ích cho các chương trình hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khen ngợi: “Giá trị thực tiễn to lớn của các Báo cáo PCI thường niên không giới hạn ở việc cung cấp một bức tranh “tĩnh” giúp nhận diện, đánh giá hoạt động của chính quyền nhà nước nói chung, chính quyền cấp tỉnh nói riêng.
Quan trọng hơn, chúng chứa đựng sức mạnh thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy phát triển và tạo ra cuộc đua tranh lành mạnh trong khu vực chính quyền nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ DN, phục vụ thị trường tốt hơn. Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào có sức thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy”.
Doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai
Theo kết quả công bố PCI 2011 được khảo sát từ gần 7.000 DN ở tất cả các địa phương, công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh trong năm qua nhìn chung có sự cải thiện đáng kể. Điểm số PCI của tỉnh trung vị năm 2011 đạt hơn 59 điểm, cao hơn khoảng 1 điểm so với năm 2009 và năm 2010.
Điểm số này phản ánh thực tế là hầu hết các tỉnh, thành tiếp tục cam kết cải cách công tác điều hành kinh tế tại địa phương mình. Điển hình, hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh cùng tỉnh Long An ở phía Nam đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng, Hà Tĩnh và Bình Phước cũng bất ngờ bước vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu PCI 2011...
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số lĩnh vực điều hành cần cải thiện trong tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ DN. PCI 2011 lần đầu tiên chứng kiến sự sụt hạng của Bình Dương và Đà Nẵng khi hai địa phương này không còn đứng ở những thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ DN. Điểm số của Đà Nẵng giảm mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ DN và chính sách đào tạo lao động.
Ngoài ra, khảo sát PCI 2011 cho biết, DN trong nước và nước ngoài đều kém lạc quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh so với những năm trước. Nếu năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, 76% DN khẳng định sẽ tăng quy mô kinh doanh, thì năm 2011, tỷ lệ này giảm xuống mức thấp kỷ lục là 47,4%. Đây cũng là lo ngại của ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam.
Để Việt Nam không chỉ hấp dẫn vì giá rẻ
Trong thời gian tới, ông Cany khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cần tích cực sử dụng những thông tin và phân tích hữu ích trong Báo cáo PCI thường niên để hiểu rõ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thì cho rằng, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các địa phương cần có những sáng kiến cải cách từ cấp trung ương nhằm tháo gỡ những nút thắt cơ bản của sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung như chất lượng nguồn lao động, môi trường thể chế và cơ sở hạ tầng. Qua đó, tạo điều kiện để chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai những sáng kiến cải cách mạnh mẽ hơn nữa, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề về chất lượng hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hơn nữa thủ tục hành chính để môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và hấp dẫn hơn. Không chỉ là địa điểm hấp dẫn của các dự án tìm chi phí rẻ, Việt Nam sắp tới cần hướng đến thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, có công nghệ, gắn kết và lan tỏa tích cực hơn đối với các DN nhỏ và vừa tại địa phương.
* Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Các địa phương đánh giá cao ý nghĩa và tác động của PCI” Qua 7 năm thực hiện nghiên cứu và công bố chỉ số PCI, chúng tôi vui mừng nhận thấy các địa phương đang ngày càng quan tâm và đánh giá cao về ý nghĩa và tác động của chỉ số này. Các tỉnh, thành phố đã có nhiều cách thức khác nhau để nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, có gần 30 tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao chỉ số PCI. Một số tỉnh thành lập các tổ công tác để thực hiện công việc này một cách quyết liệt và thực chất. Nhiều địa phương đã có những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong các lĩnh vực điều hành kinh tế, cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư… * Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh: “Nỗ lực của Lào Cai đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận” Mặc dù với điểm xuất phát thấp so với các tỉnh, thành phố của cả nước, song kể từ ngày tái lập tỉnh (1992) đến nay, Lào Cai luôn cố gắng không ngừng đẩ mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những nỗ lực ấy đã được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá và phản ánh thông qua Chỉ số PCI hàng năm của tỉnh Lào Cai. Với mục tiêu lựa chọn của tỉnh là “DN phát tài, Lào Cai phát triển”, Lào Cai đã và đang thực hiện một số giải pháp nhằm cải thiện và duy trì Chỉ số PCI như tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức trong công tác hỗ trợ DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai các văn bản pháp quy trên Cổng giao tiếp điện tử, đặc biệt trên website Cơ sở dữ liệu điện tử PCI tỉnh Lào Cai; duy trì các hội nghị, hội thảo giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và các DN; tạo thuận lợi nhất trong việc tiếp cận thị trường đất đai... * Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phan Văn Rảnh: “Long An sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh” Trong những năm qua, môi trường đầu tư tại Long An ngày càng thông thoáng, hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu trong và ngoài nước. Tỉnh đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI như đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Tỉnh đang phấn đấu hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sách và hiện có khoảng 5.000 ha đất sạch sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư. Với phương châm “Tất cả vì sự thành công của các bạn”, Long An sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung thúc đẩy hơn nữa quá trình cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo niềm tin giúp các DN phát triển đầu tư, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất. * Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: “Hà Tĩnh sẽ giữ vững và phát triển chỉ số PCI” Để bứt phá đi lên, những năm gần đây, Hà Tĩnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ rất nhiều giải pháp như quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú ý tới quy hoạch sản phẩm chủ lực; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, đào tạo nguồn nhân lực là khâu quyết định; xây dựng kết cấu hạ tầng từ giao thông vận tải, điện nước đến công nghệ thông tin, môi trường; bình đẳng, tôn trọng, đối xử công bằng với các thành phần kinh tế, các loại hình DN... Nhờ các biện pháp trên, đến nay Hà Tĩnh đã có hàng trăm DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hơn 15 tỷ USD. Năm qua, tuy tình hình kinh tế khó khăn song Hà Tĩnh vẫn phát triển tăng thêm hơn 15% DN thành lập mới... Kết quả xếp hạng 7 PCI 2011 của Hà Tĩnh là kết quả của một quá trình phấn đấu rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Hà Tĩnh xin cam kết tiếp tục tổ chức chỉ đạo quyết liệt hơn để giữ vững và phát triển Chỉ số PCI. |
Yến Nhi