Petrolimex bị kiểm tra vì "nghi án “né” thuế 64 tỷ đồng

Trước thông tin một đơn vị hải quan địa phương nghi ngờ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kê khai thuế sớm bất thường để “né” thuế tăng, hưởng lợi 64 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn hôm qua - 5/7,  cho biết, Bộ này đang tiến hành kiểm tra, nếu sai sẽ tiến hành truy thu…

Trước thông tin một đơn vị hải quan địa phương nghi ngờ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kê khai thuế sớm bất thường để “né” thuế tăng, hưởng lợi 64 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn hôm qua - 5/7, cho biết, Bộ này đang tiến hành kiểm tra, nếu sai sẽ tiến hành truy thu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phải chờ kiểm tra…

Thứ trưởng Tuấn cho biết, ông cũng mới nhận được thông tin này cách đây 2 hôm và đang cho kiểm tra. “Trên cơ sở thẩm quyền, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ đơn vị này. Sai thì sẽ xử lý theo quy định. Nếu sai sẽ truy thu, tuy nhiên tất cả phải dựa trên kết quả kiểm tra”- Thứ trưởng khẳng định.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, với các lô hàng dầu diesel nhập khẩu trước đây, Petrolimex thường khai báo và đăng ký tờ khai nhập khẩu trước khi tàu chở hàng đến cửa khẩu từ một đến hai ngày. Nhưng với lô hàng nhập khẩu lần này, Petrolimex đã đăng ký tờ khai nhập khẩu trước khi tàu dự kiến đến tới 14 ngày. Chỉ khi Petrolimex đăng ký tờ khai và được tính thuế, thì chỉ 4 ngày sau, thuế suất thuế nhập khẩu của mặt hàng dầu diesel đã được điều chỉnh tăng gấp đôi theo Thông tư số 94/2012/TT-BTC ngày 8/6/2012 của Bộ Tài chính.

Đại diện Petrolimex đã dẫn ra Khoản 1 điều 18 Luật Hải quan sửa đổi bổ sung ban hành năm 2005 (trong đó quy định hàng hoá nhập khẩu được thực hiện trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký) để khẳng định Petrolimex mở tờ khai hải quan đối với chuyến hàng nhập khẩu theo đúng luật hiện hành.

Giao quyền nhưng vẫn phải giám sát

Vậy việc giao quyền tự định giá cho DN kinh doanh đầu mối nhập khẩu xăng dầu  có nảy sinh vấn đề xin- cho không? Thứ tưởng Tuấn cho biết, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi cái gốc của vấn đề là xăng, dầu hiện nay ở nước ta vẫn còn tình trạng độc quyền. DN lớn nhất ở Việt Nam hiện chiếm tới 63% thị phần (trong khi ở các nước DN lớn nhất cũng chỉ được chiếm 12% thị phần) nên yếu tố cạnh tranh chưa có.  Vì vậy, giải pháp quan trọng là từng bước tiến đến thị trường xăng, dầu cạnh tranh.

“Giải pháp hiện nay là giải pháp tình thế vì chưa xử lý được gốc cơ bản. Tình thế ở đây là giao quyền cho DN nhưng có sự kiểm soát của nhà nước. Vừa rối giá điện cũng vậy, vẫn phải có sự giám sát của nhà nước…”- Thứ trưởng Tuấn giải thích. Trả lời những băn khoăn về khả năng xảy ra vấn đề xin - cho khi cho DN tự định giá, ông Tuấn cho rằng, việc quan trọng là phải chống cơ chế xin – cho; khi đã giao quyền cho DN thì các phương án của DN phải công khai, trong đó có nội dung công khai và thời điểm công khai…

Trước đây, có thời điểm giao cho DN định giá, nhưng không lâu sau đó Bộ Tài chính đã “đòi” lại quyền này từ DN và nay lại tiếp tục cho DN định giá, liệu việc này có được ổn định? Thứ trưởng Tuấn phân tích: “Đứng về mặt chuyên môn, các giải pháp phải đứng trong những bối cảnh và khuôn khổ pháp luật nhất định. Nếu bối cảnh thay đổi thì cũng cần có những thay đổi về chính sách…” Còn việc xử lý  khoản lỗ 5.000 tỷ đồng của các DN kinh doanh xăng dầu, ông Tuấn cho hay, DN phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Nghĩa là, năm nay và sang năm, DN phải tiết kiệm chi phí, cải thiện công nghệ để bù lại khoản lỗ. “Sẽ không có cơ chế bù lỗ từ NSNN” - Thứ trưởng khẳng định.

Cũng trong cuộc họp báo, báo cáo của Bộ Tài chính tiếp tục nhấn mạnh, đối với việc điều hành giá xăng, dầu dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và xã hội. Bộ này đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến thị trường thế giới để điều chỉnh giá bán trong nước cho phù hợp…

Khoản lỗ ngoài ngành của EVN:

Không có chuyện người dân phải “gánh”

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện thêm 5% từ ngày 1/7 vừa qua cũng là chủ để “nóng” tại cuộc họp báo.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, "người dân không gánh khoản lỗ ngoài ngành của EVN" vì kết quả thanh tra, kiểm tra EVN cho thấy lỗ kinh doanh ngoài ngành của EVN không tính vào chi phí của điện, kể các các sai phạm của EVN cũng đã được loại trừ khi tính vào chi phí giá điện. “Nếu ai đó nói rằng EVN không có đủ cơ sở để tăng giá điện thì đã có đủ cơ sở để nói người ta không có cơ sở không?”- Thứ trưởng Tuấn đặt vấn đề.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giá điện tăng 5% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vòng 1 tăng 0,123%, CPI vòng 2 tăng 0,246% và CPI cả 2 vòng tăng 0,369% (với điều kiện là giá cả các mặt hàng khác ổn định).

Thanh Lan

Đọc thêm