Phá hủy hàng trăm cạm bẫy, giải cứu chim trời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng trăm phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trời đã được lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức thu gom và tiêu hủy, nhằm cứu các loài chim hoang dã vào mùa di cư thoát nạn tận diệt.
Lực lượng chức năng đốt, hủy các dụng cụ bẫy bắt chim trời trên đồng ruộng
Lực lượng chức năng đốt, hủy các dụng cụ bẫy bắt chim trời trên đồng ruộng

Để ngăn chặn sớm tình trạng săn bắt chim trời mùa di cư, từ đầu tháng 9/2023, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan ở các địa phương ra quân tháo dỡ hàng trăm phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trời.

Theo đó, tại huyện Phú Lộc, đã có 515 cò mồi xốp để bẫy chim trời được tháo dỡ và tiêu hủy; tại huyện Phú Vang đã tháo dỡ, tiêu hủy khoảng 20m lưới bẫy chim trời; tại thị xã Hương Thủy đã tháo dỡ, tiêu hủy 100 que tre dính keo và 50 que tre có gắn bọc ni lông màu trắng để dụ, bẫy chim trời.

Trong quá trình ra quân tháo dỡ, tiêu hủy các phương tiện, dụng cụ bẫy chim trời, lực lượng chức năng cũng đã kịp thời cứu nhiều cá thể chim trời bị mắc bẫy và thả về môi trường tự nhiên.

Lực lượng chức năng kịp thời cứu nhiều cá thể chim trời bị mắc bẫy và thả về môi trường tự nhiên

Lực lượng chức năng kịp thời cứu nhiều cá thể chim trời bị mắc bẫy và thả về môi trường tự nhiên

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Đồng thời, triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là nạn săn bắt chim trời trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế lại rộ lên. Các cơ quan chức năng đã phối hợp vào cuộc tuyên truyền, xử lý, nhưng tình trạng tận diệt chim trời vẫn diễn ra.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Mức xử phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời.