Pha Long - khúc tráng ca về bức điện tín “bất hủ”

(PLVN) - Đồn biên phòng Pha Long nằm trọn trong thung lũng bốn bề bát ngát xanh rì. Nhìn cảnh vật yên bình nơi mảnh đất này, ít ai hình dung cuộc chiến đấu anh dũng 43 năm trước của những người lính đã nắm chắc tay súng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng bảo vệ biên cương. Bức điện cuối cùng gửi về Sở chỉ huy vào lúc 11h ngày 19/2/1979 viết: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí.”

Trận chiến Pha long

Trận chiến đấu tại Đồn Pha Long là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong ngày 17/2/1979. Từ 5h30 phút sáng, hai trung đoàn lính Trung Quốc bao vây quanh đồn với ý định cắt rời khỏi thế trận toàn biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Suốt 4 ngày đêm bị bao vây chống trả quân xâm lược đông hơn hàng chục lần, có trang bị các loại hỏa lực mạnh, các chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long bẻ gãy hàng loạt đợt tấn công, tiêu diệt, gây thương vong khoảng 800 tên địch.

Suốt bốn ngày đêm đó, ta với địch giành nhau từng mô đất, từng đoạn hào giao thông. Những chiến sĩ với vũ khí cá nhân đã mưu trí, dũng cảm sắp xếp đội hình, mật phục không cho địch tiếp cận Đồn, buộc chúng phải gọi pháo tầm xa và hỏa lực đi cùng chi viện để tháo lui. Quân địch được huấn luyện rất kỹ việc đánh bộc phá và công đồn, nhưng suốt mấy ngày tấn công, chúng không đặt được một quả nào.

Đồn Biên phòng Pha Long ngày nay.

Đồn Biên phòng Pha Long ngày nay.

Nhưng rồi với lực lượng của địch áp đảo và được chi viện vũ khí hạng nặng, quân ta bị vây đánh suốt một thời gian dài, lương thực, đạn dược dần cạn. Những người chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Trong lịch sử quân sự Việt Nam, bức điện của các chiến sĩ Đồn Pha Long gửi về Sở chỉ huy vào ngày 18/2/1979 có ghi: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta. Lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến đấu”.

Bức điện cuối cùng được đánh về vào lúc 11h ngày 19/2/1979: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí.”

Bức điện mật cuối cùng trên Đồn Pha Long.

Bức điện mật cuối cùng trên Đồn Pha Long.

Lịch sử truyền thống của Đồn Pha Long còn ghi rõ những chiến sĩ anh hùng đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Đó là Đồn phó - Thượng úy Nguyễn Anh Đức đã anh dũng chiến đấu tại các điểm chốt tới hơi thở cuối cùng và ngã xuống bên chiến hào. Đó là Chính trị viên Trần Xuân Ngọc với sự dũng cảm, nhạy bén, mưu trí đã chỉ huy các chiến sĩ chốt chặn, bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Đó là hàng chục chiến sĩ đã chiến đấu với tinh thần một tấc không đi, một ly không dời bảo vệ biên cương.

Lời thề khắc giữ chốn biên cương

Ngay trước cổng Đồn Pha Long là tấm bia trấn ải được coi như một lời thề biên cương của chiến sĩ biên phòng. Trên tấm bia trấn ải viết:

“Nguyên Thần Bổn Mệnh Giữ Núi Non./Nam Sơn Bốn Cõi Tựa Sách Trời Định./Thiên Thiên Nhật Nguyệt Linh Linh Ứng./Tuyệt Tuyệt Long Phụng Báo Quốc An./Bình Nhất Hà Việt Nam Quốc Thổ”.

Tạm dịch nghĩa là:

Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non./Núi Nam bốn cõi đã định trong sách trời./Đời đời nhật nguyệt linh thiêng ứng nghiệm./Rồng Phượng bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên nhất là ở đây

Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng trầm ngâm giây lát trước khi giới thiệu về tấm bia trấn ải này. Anh bảo với chúng tôi không hiểu sao đã nhiều lần lên đây, nhưng mỗi khi đứng bên tấm bia này, anh đều có cảm xúc rất lạ, cảm giác như thêm phần trách nhiệm của mình trong việc cùng đồng bào các dân tộc trong huyện phải gắng xây dựng mảnh đất thêm giàu đẹp, ổn định biên cương.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam thắp hương tại Đài tường niệm liệt sĩ của Đồn biên phòng Pha Long.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam thắp hương tại Đài tường niệm liệt sĩ của Đồn biên phòng Pha Long.

Bí thư huyện Mường Khương Giàng Quôc Hưng (áo trắng đứng giữa) giới thiệu về tấm bia trấn ải ngay trước cổng đồn Pha Long.

Bí thư huyện Mường Khương Giàng Quôc Hưng (áo trắng đứng giữa) giới thiệu về tấm bia trấn ải ngay trước cổng đồn Pha Long.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ của Đồn biên phòng đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc có khắc ghi tên của 41 liệt sĩ đến từ nhiều miền quê khác nhau, phần nhiều trong các anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong trận chiến 4 ngày tráng ca đó.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Sở Tư pháp Lào Cai, Huyện ủy, UBND huyện Mường Khương và Chỉ huy Đồn Biên phòng Pha Long chụp ảnh bên tấm bia trấn ải ngay trước cổng Đồn Pha Long.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Sở Tư pháp Lào Cai, Huyện ủy, UBND huyện Mường Khương và Chỉ huy Đồn Biên phòng Pha Long chụp ảnh bên tấm bia trấn ải ngay trước cổng Đồn Pha Long.

Bên làn khói quấn quýt từ lư hương đài tưởng niệm, ông Trần Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ xúc động khi được nghe về sự dũng cảm hy sinh của bao liệt sĩ đã ngã xuống cho biên giới bình yên. Ông Vinh nói, sự thay đổi mảnh đất Pha Long minh chứng rằng máu xương các liệt sĩ, thương binh đã đổ xuống là không vô ích, chúng ta những thế hệ đi sau luôn nhớ và sống sao cho tốt với sự hy sinh đó.

Pha Long - trận chiến mới không tiếng súng

Đóng tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Đồn Biên phòng Pha Long quản lý tuyến biên giới Việt - Trung dài 17,57km, được phân định bởi 19 cột mốc (trong đó có 1 cột mốc phụ) trên địa bàn 2 xã Pha Long và Tả Ngài Chồ.

Ngày trước, đây là địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, trật tự trị an xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhưng, giờ đây tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, đặc biệt, không có di dịch cư tự do, không có tuyên truyền đạo trái pháp luật và không còn tệ nạn, hủ tục lạc hậu như tảo hôn, ma chay kéo dài.

Để có được sự chuyển biến này, nhiều năm nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, phối hợp với Đảng bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân học tập, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; Luật Hôn nhân gia đình; đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia...

Qua phong trào quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm, phong trào tự quản đường biên, cột mốc, hàng năm, Đồn được cung cấp hàng trăm nguồn tin quan trọng, phục vụ tốt cho công tác nghiệp vụ, đấu tranh phòng chống tội phạm, phá các chuyên án, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long trong ca trực.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long trong ca trực.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cán bộ chiến sĩ Đồn Pha Long căng mình trong cuộc chiến mới đó là ngăn ngừa các đối tượng vượt biên trái phép, bảo vệ biên giới, không cho dịch bệnh Covid-19 không thâm nhập vào nội địa. Quản lý địa bàn đường biên dài hàng chục km với địa bàn hết sức hiểm trở, phức tạp, nhưng các chiến sĩ không quản ngại khó khăn, ngày đêm luôn túc trực thu dung bà con trở về đưa đi cách ly phòng dịch Covid-19, ngăn chặn những đối tượng có ý định vượt biên trái phép.

Tiếp nhận bà con lao động từ bên kia biên giới trở về, các chiến sĩ biên phòng thêm nhiệm vụ mới là góp phần lo chỗ ăn, nghỉ tập trung cách ly cho bà con. Bữa cơm nóng giờ cũng là nhiệm vụ mới mà cũng không hề kém phần quan trọng để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 ngay từ biên cương Tổ quốc.

Trung tá Phạm Minh Xuân, Trưởng Đồn biên phòng Pha Long cho biết: "Thời tiết trên này rất khắc nghiệt, điểm chốt thì xa, đường đi rất khó khăn. Mỗi điểm chốt chúng tôi đều làm nhà bạt để tổ trực ăn, nghỉ. Nhưng mưa to, gió lớn, những góc cọc buộc trại tưởng như chắc chắn kia không chịu được sự cuồng nộ của thiên nhiên cũng phải bật cuốn.

Có những lần bạt trại bay tít xuống vực, đồ đạc sinh hoạt cá nhân ướt mèm, anh em phải đi cả buổi mới tìm lại được. Khó khăn vất vả vậy đấy nhưng chúng tôi luôn xác định phải giữ vững, giữ yên biên cương để hậu phương yên tâm sản xuất, phát triển”.

Tháng 2, trời ngả chiều thật nhanh, đất trời Pha long chìm trong màn sương mờ dần buông xuống. Những ngày này, triệu triệu người dân nước Việt hướng tình cảm của mình hướng về hương hồn các anh linh liệt sĩ và thương binh đã tận hiến máu xương bảo vệ tấc đất biên cương

Tạm biệt Pha Long, đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam về Hà Nội với niềm tin tưởng những người lính biên phòng nơi đây ngày đêm vững bước tuần tra, chắc tay súng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, gìn giữ bình yên cho nhân dân.

Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam do ông Trần Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập; ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập dẫn đầu có chuyến công tác tri ân nhân, thắp hương bên bia tưởng niệm các liệt sĩ của Đồn biên phòng Pha Long, đồn biên phòng Mường Khương.

Tới thăm các chốt gác, chứng kiến sự khó khăn, vất vả của các chiến sĩ, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao những phần quà có ý nghĩa với mong muốn góp phần bớt đi sự khó khăn trong sinh hoạt và thêm kinh phí phục vụ phòng chống Covid-19 trên địa bàn 2 Đồn phụ trách.

Đọc thêm