Phải làm gì khi DN không đóng bảo hiểm cho người lao động?

(PLO) - Ông Nguyễn Quang Phục làm việc tại Công ty CP Đầu tư Vinacco tại thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2017 và có ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Công ty không chịu đóng các loại bảo hiểm cho ông. Vậy, ông cần thực hiện những thủ tục gì để đóng bảo hiểm tiếp theo tại đơn vị mới.

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014: “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;…”

Trường hợp của ông Nguyễn Quang Phục, đã làm việc tại Công ty CP Đầu tư Vinacco từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2017 có ký hợp đồng lao động thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014, Công ty có trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho ông.

Để bảo vệ quyền lợi của ông, Công ty không tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì ông có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Tổ chức Công đoàn của Công ty để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Nếu Công ty vẫn không thực hiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong hạn 30 ngày thì ông gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thụ lý, giải quyết theo quy định tại Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại tố cáo.

Đọc thêm