Phải truyền thông mục tiêu tăng trưởng 8% để toàn dân cùng vào cuộc

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, sau khi Quốc hội thông qua Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, phải có truyền thông, các hội nghị triển khai... để toàn dân vào cuộc và thực hiện ngay, không chờ đợi.
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 15/2. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 15/2. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá, đây là mục tiêu “đúng, nên và hợp lý”, nhưng rất khó thực hiện và phải có đồng lòng.

ĐB phân tích, khoảng thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu này còn rất ngắn, chỉ còn 10 tháng, trong khi đất nước còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều dự án vẫn đang làm, chưa hoàn thiện. Đất nước cũng còn nhiều công việc quan trọng trong năm 2025, như Đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV... Ngoài ra, trên thế giới, chiến tranh thương mại biến động khó lường, ngày càng khốc liệt.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

“Nêu ra như thế để thấy khó khăn còn rất nhiều. Muốn thực hiện được, toàn Đảng, toàn dân phải rất nỗ lực và cố gắng. Nên chăng, Nghị quyết này nêu ra các vấn đề đáng lưu ý đó để biết, thống nhất thực hiện”, ĐBQH Đoàn Hà Nội nói.

ĐB Trí cho rằng, sau khi QH thông qua mục tiêu này, phải có truyền thông, các hội nghị triển khai... để toàn dân vào cuộc và thực hiện ngay, không chờ đợi.

Tán thành và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân cần phải nỗ lực hơn.

Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, ĐB Mai cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Một số quy định của pháp luật cơ chế chính sách còn chậm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn có nhiều bất cập, hạn chế.

Do đó, ĐB đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo không gian phát triển mới.

ĐB Mai cũng đề nghị tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu, hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Thống nhất ý kiến của Ủy ban Kinh tế là đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên theo ĐB, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm.

“Như tôi từng phát biểu, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kỹ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới”, ĐB Mai nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Dưới góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ĐB Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Còn với 5 triệu hộ kinh doanh, ĐB Thân nhấn mạnh cần có nghĩa vụ nộp thuế. Bởi khi kinh doanh buôn bán, phải có nghĩa vụ với xã hội. Nghĩa vụ sẽ do các cơ quan chức năng chuyên môn quy định song phải tạo điều kiện, không gây phiền nhiễu.

“5 triệu hộ kinh doanh chúng ta vẫn chưa định nghĩa được, ủng hộ người ta hay không? Nhưng thực tế họ vẫn tồn tại mà không thể không có. Phải có một giải pháp cụ thể với 5 triệu hộ kinh doanh này”, ĐB Đoàn Thái Bình nói.

Với các doanh nghiệp Nhà nước, ĐB Thân cho rằng, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nào thì làm nhiệm vụ đó, không nên "lấn sân" sang nhiệm vụ khác. Ví dụ Tập đoàn Dầu khí chỉ nên tập trung vào dầu khí, Tập đoàn Điện lực chỉ làm điện lực…

“Nếu tập trung vào bất động sản, tập trung “vào cái lọ, cái chai” thì không nên”, Đại biểu Thân nhấn mạnh và kiến nghị Thủ tướng nên nghiên cứu việc giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước.

Đọc thêm