Thành lập khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam
Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) nhấn mạnh, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Do đó, hai cơ quan này thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng hai yêu cầu. Trước hết, phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ hai là quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cần "mở ra" để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động
Đồng tình với việc tổ chức khu sản xuất, dạy nghề ở ngoài trại giam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, thông qua lao động sẽ góp phần cải tạo phạm nhân thành người lương thiện, cải thiện sức khỏe và góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng tạo cơ sở thực hiện các chính sách nhân đạo (như giảm án, đặc xá)...
Nhấn mạnh quyền con người của phạm nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, chế độ ta luôn hướng đến giáo dục để người ta hòa nhập sau khi chấp hành xong bản án. Do đó, việc cho lao động ngoài trại giam tại các điểm sản xuất là tạo điều kiện cho phạm nhân lao động có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề.
Do đó, cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động. “Trong đội ngũ phạm nhân có người có trình độ lao động nhất định thì nên sử dụng. Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần "mở ra" để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì đề nghị làm rõ trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân như thế nào. Theo ông, ngoài trại giam nhưng trong khu sản xuất, điểm lao động có thể thực hiện được, còn đưa phạm nhân vào doanh nghiệp thì không phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế.
Cũng cùng quan điểm nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lưu ý cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam - phạm nhân - doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp làm việc (hợp đồng) với phạm nhân. “Phạm nhân lao động là bắt buộc, tuy nhiên, lao động để sản xuất ra sản phẩm thương mại lại là vấn đề khác, cần phải có sự tự nguyện tham gia của phạm nhân”, ông Bình nói...