Phản biện xã hội (lần 2) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề nghị tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng

(PLVN) -  Chiều 27/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Các ý kiến tại Hội nghị đánh giá cao dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung mới theo hướng tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết được căn bản những xung đột lợi ích đã kéo dài nhiều năm nay; vì vậy, cần tiếp tục sửa đổi trên cơ sở tiếp thu tối đa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề ra.

Sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng

Đánh giá chung về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến đã được triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, đúng tiến độ, bám sát văn bản chỉ đạo của của Quốc hội (QH), Kế hoạch của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Việc lấy ý kiến thu hút được sự quan tâm của đông đảo các đối tượng, các giai tầng tham gia góp ý với phạm vi và quy mô rộng lớn không chỉ ở trong nước mà vươn ra đến 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục, trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng… Kết quả, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý... Đã có 20.537 tin, bài ghi nhận ý kiến của nhân dân được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông

Tuy nhiên, qua việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn cho quá trình biên tập, tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý. Điển hình là một số ý kiến góp ý tập trung vào các vụ việc cụ thể, trình bày các khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng trong quá trình sử dụng đất mà không góp ý vào nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến góp ý tại các hội thảo mang tính tổng quát, chỉ nêu vấn đề mà không tập trung vào các điều, khoản chi tiết của dự thảo Luật…

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật lần này đã có nhiều nội dung mới theo hướng tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân. Đã luật hóa và quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất; giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường… Tuy vậy, các ý kiến cũng cho rằng, quy định tại dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết được căn bản những xung đột lợi ích đã kéo dài nhiều năm nay. Đặc biệt, xung đột lợi ích thường xuất phát từ vấn đề sở hữu đất đai, nhưng dự thảo Luật chưa định nghĩa cụ thể thế nào là “sở hữu đất đai”, “sở hữu toàn dân”… Khi những vấn đề này không được định nghĩa rõ thì người dân rất khó khăn trong việc xác định được lợi ích của mình, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, đất đai không chỉ là tài sản mà còn là nguồn lực quan trọng…

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đánh giá, một số chính sách còn quy định chung chung, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng. Cần làm rõ hơn nữa các chế độ, chính sách trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, như giá đất tính bồi thường, các khoản hỗ trợ và đặc biệt là việc tái định cư để đảm bảo cuộc sống cho người có đất bị thu hồi…

Phải tiếp thu tối đa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW

Liên quan đến việc bảo đảm bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, phát biểu tại Hội nghị, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho biết, trên thực tế, một số trường hợp thu hồi đất đang gây bất lợi cho phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ về sống với gia đình nhà chồng sau khi kết hôn lại không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng, mặc dù trên thực tế họ là người sử dụng đất chính. Ví dụ, bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa thì con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên diện tích đất mà hộ gia đình chồng có quyền sử dụng…

Từ phân tích trên, đại diện Hội LHPN Việt Nam cho rằng, quy định tại Điều 86 dự thảo Luật chưa đủ để đảm bảo bình đẳng giới. Theo nội dung này, chủ thể được bồi thường, hỗ trợ chỉ là “người có đất bị thu hồi”, “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất”, mà chưa đề cập đến “người trực tiếp sử dụng đất” bị thu hồi. Những người này bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất. Khảo sát cho thấy có đến 94% ý kiến đồng tình với việc cần mở rộng đối tượng được đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất với cả “người trực tiếp sử dụng đất”… Từ kết quả nghiêu cứu trên, Hội LHPN Việt Nam đề xuất mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất.

Quan tâm đến vấn đề định giá đất, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật - Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) dẫn quy định tại Điều 155 dự thảo Luật): “Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá đất khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện”. Theo bà Nga, đây là nội dung mới, tuy nhiên dự thảo Luật chưa quy định đối với trường hợp trong cùng dự án có nhiều đối tượng sử dụng đất (vừa có tổ chức, vừa có hộ gia đình, cá nhân) thì việc xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể vẫn thực hiện theo thẩm quyền hay ủy quyền cho một cấp thực hiện để đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán về giá đất được phê duyệt trong cùng phạm vi dự án. “Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền định giá đất cụ thể đối với trường hợp trong cùng dự án có nhiều đối tượng sử dụng đất tại dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành” - PGS.TS Nguyễn Thị Nga nói.

Vẫn theo Phó Trưởng Khoa Pháp luật - Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội), trong quá trình xây dựng bảng giá đất, dự thảo Luật quy định: Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) “được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất”. Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định Sở TN&MT “được thuê”, chứ không phải quy định “phải thuê, nên Sở TN&MT hoàn toàn có thể không thuê mà tự thông qua các phòng, ban chuyên môn để xây dựng bảng giá đất mà không hề vi phạm quy định. Bà Nga nhấn mạnh: “Nếu bảng giá đất không do một tổ chức có chức năng, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện, liệu có đảm bảo được tính hiệu quả hay không, có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không?”.

“Theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi hoàn thiện cơ chế xác định giá đất phải bảo đảm “Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất”. Vì vậy, trong dự thảo Luật cần có quy định về vai trò của cơ quan Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Do vậy, dự thảo Luật cần tiếp tục sửa đổi trên cơ sở tiếp thu tối đa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề ra” - bà Nga kiến nghị.

Đọc thêm