Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Nghị quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ của PVFCCo trong năm 2025 thêm 2.886 tỷ đồng. Sau khi tăng, vốn điều lệ của Đạm Phú Mỹ là 6.800 tỷ đồng.
Việc vốn điều lệ thấp là một vấn đề khiến các doanh nghiệp nói chung gặp khó trong khâu đấu thầu (đặc biệt là đấu thầu quốc tế) và vay vốn ngân hàng, từ đó hạn chế nhiều cơ hội phát triển.
Như vậy, sau khi tăng vốn điều lệ, Phú Mỹ rộng cửa trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
Từ năm 2023, Phú Mỹ đã có động thái mong muốn được tăng vốn điều lệ. Đây là doanh nghiệp có "sức khỏe" tài chính ổn định. Cuối năm 2024, vốn điều lệ của DPM chỉ 3.914 tỷ đồng còn vốn chủ sở hữu là 11.236 tỷ đồng – gấp gần 3 lần. Số tiền lớn nhất tập trung tại quỹ đầu tư phát triển với gần 4.600 tỷ đồng.
Năm 2024, PVFCCo đạt doanh thu 13.496 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 594 tỷ đồng, tăng 11%. Năm 2025, Phú Mỹ đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.876 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 410 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.
Bắt đầu từ năm 2025, các công ty sản xuất phân bón trong nước còn được hưởng lợi do quy định về thuế phân bón có sự thay đổi. Theo đó, với Phú Mỹ, theo dự đoán, doanh nghiệp này sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 170 tỷ đồng trong 2025 và 350 tỷ đồng trong 2026.
Với việc vốn điều lệ của Phú Mỹ là 6.800 tỷ đồng sẽ là doanh nghiệp phân bón có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường. Hiện nay, vốn điều lệ cao nhất là 5.294 tỷ đồng thuộc về Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - cũng là đơn vị do Petrovietnam chi phối.