Phấn đấu đến năm 2030, 95% giáo viên các nhà trường Quân đội 9 đạt chuẩn

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ban hành Quyết định số 3525/QĐ-BQP phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án). Theo đó, đến năm 2030, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có 95% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, 75% nhà giáo qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trao Bằng khen tặng các nhà giáo quân đội được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022. (Ảnh: Lam Hạnh)
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trao Bằng khen tặng các nhà giáo quân đội được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022. (Ảnh: Lam Hạnh)

Mục tiêu 1.500 nhà giáo được đào tạo trình độ tiến sĩ

Đề án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2023 đến 2025; giai đoạn 2, từ năm 2026 đến 2030; giai đoạn 3, từ sau năm 2030. Mục tiêu của Đề án xác định: Mỗi năm có hơn 35 nhà giáo Quân đội được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; trong mỗi đợt xét có hơn 15 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Quân đội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Từ năm 2026 đến hết năm 2030, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có 95% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; 75% trở lên nhà giáo qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng; 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế... Có 1.500 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được đi đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý…

Đề án cũng xác định giai đoạn 2023 - 2030, tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tuyển chọn đi đào tạo nước ngoài và đào tạo sau đại học. Đào tạo văn bằng 2 về ngoại ngữ cho 1.500 - 2.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; bồi dưỡng đạt chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ IELTS 5.0 và tương đương trở lên cho 1.800 - 2.200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ đạt bậc 3, bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) đối với 5.000 - 6.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Triển khai thực hiện khung năng lực giảng dạy

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đã chỉ rõ việc xây dựng và triển khai thực hiện nội dung khung năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, giáo viên trong các nhà trường Quân đội.

Theo đó, khung năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên bao gồm các tiêu chí để hướng dẫn phát triển và đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên; cách thức, quy định về đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên; sự tham gia của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện khung năng lực giảng dạy...

Mục đích của khung năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên: Đánh giá và cải tiến chất lượng giảng dạy và định hướng phát triển chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cho các nhà giáo; hướng dẫn, hỗ trợ nhà giáo đổi mới hoạt động dạy học; áp dụng phương pháp và công nghệ mới trong giảng dạy; tạo lập thói quen thực hành giảng dạy chất lượng trong đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giảng dạy. Xây dựng và áp dụng khung năng lực giảng dạy sẽ góp phần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng giảng dạy.

Trước mắt, năm 2023 tập trung xây dựng, thí điểm triển khai áp dụng tại một số học viện, trường, trên cơ sở đó hoàn thiện và đề nghị ban hành Khung năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên các trường, khối trường. Tổ chức tập huấn về khung năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, giáo viên cho đội ngũ nhà giáo và các cơ quan liên quan; xây dựng các khóa, chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của Khung năng lực giảng dạy.

Năm 2024 sẽ sử dụng khung năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo; hằng năm tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khung năng lực giảng dạy để phù hợp với tình hình thực tế.

Song song với xây dựng và triển khai thực hiện khung năng lực giảng dạy của giảng viên, giáo viên, khung năng lực quản trị nhà trường đối với cán bộ quản lý giáo dục cũng được xây dựng và triển khai thực hiện. Mục đích nhằm: Đánh giá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo dục, tăng cường tính chính quy trong hoạt động quản lý giáo dục, đào tạo; hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý giáo dục trong đổi mới nâng cao năng lực quản lý giáo dục, đào tạo. Tiến hành khảo sát nhu cầu, xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với chức danh, nhiệm vụ và đặc thù mỗi học viện, nhà trường.

Từ năm 2023 - 2030, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và các năng lực khác cho 3.500 - 4.000 cán bộ quản lý giáo dục.

Đọc thêm