"Phân luồng Hà Nội", vì sao nhà quản lý và người dân đều... mệt?

Chủ trương phân luồng giao thông trên một số tuyến phố ở Hà Nội mới thực hiện được hơn một tuần, nhưng cũng đủ để thấy những... phiền muộn từ phía cơ quan chức năng lẫn người dân, dù phân luồng là một ý tưởng hoàn toàn tốt để hướng tới một nếp giao thông văn minh, cũng như hạn chế tai nạn.

Chủ trương phân luồng giao thông trên một số tuyến phố ở Hà Nội mới thực hiện được hơn một tuần, nhưng cũng đủ để thấy những... phiền muộn từ phía cơ quan chức năng lẫn người dân, dù phân luồng là một ý tưởng hoàn toàn tốt để hướng tới một nếp giao thông văn minh, cũng như hạn chế tai nạn.

Phân làn giao thông phương tiện trên phố Huế
Phân làn giao thông phương tiện trên phố Huế

Người dân: Giá như linh động

Kim đồng hồ đã chỉ sang quá con số 6 mà chị Kim (ở phố Lò Đúc, Hà Nội) vẫn chưa thấy bóng dáng chồng đâu, mặc dù sáng trước khi đi làm hai vợ chồng đã hẹn nhau chiều về sớm sang nhà chú ăn giỗ. Sốt ruột bốc máy gọi chồng chị Kim chỉ thấy những hồi chuông kéo dài nên lại càng sinh nghi. Phải đến hơn 7h tối chồng chị Kim mới về đến nhà, trước hàng loạt các câu tra hỏi của vợ, anh chỉ buông bốn từ đầy mệt mỏi: “Phân luồng! Tắc đường!”.

Kể từ ngày Hà Nội tái thực hiện việc phân luồng trên một số tuyến đường, thì “hoạt cảnh” như gia đình chị Kim diễn ra khá nhiều, nhất là với những người đi xe ô tô. Anh Nghĩa Dũng ở Yên Phụ than thở: “Từ ngày phân luồng, hôm nào tôi cũng về muộn và bị vợ lườm. Ai đời phải tới 5 lần đèn đỏ mới qua được ngã tư. Phân luồng thì rõ tốt rồi, nhưng đường đủ rộng hẵng làm, chứ đường hẹp thì quá bằng... tiếp tay cho tắc”.

Dù rằng những ai đã từng đi xe máy trên tuyến phố Kim Mã - Nguyễn Thái Học vào giờ cao điểm bị tới... 5 làn xe ô tô lấn chiếm mặt đường, mới thấu hiểu hết giá trị của việc phân luồng. Nhưng nói như anh Dũng thì đúng là việc phân luồng chỉ có ý nghĩa tại những đường, phố rộng rãi, chứ còn tại những tuyến phố nhỏ hẹp thì lại trở thành mầm mống gây ách tắc giao thông.

Chưa hết, hiện nay việc phân luồng ở Hà Nội còn rất nhiều điểm chưa hợp lý nữa khiến người dân phiền muộn. Đơn cử như việc rẽ trái của xe máy ở tuyến đường đã phân luồng. Theo quy định, xe máy đi làn trong, thông thường khi rẽ trái phải di chuyển từ từ để rẽ. Nhưng nay, nếu di chuyển như vậy thì lại vi phạm luật, đi sai làn đường. Khổ nhất là những xe máy muốn rẽ trái sau khi dừng đèn đỏ, nhiều chủ phương tiện xe máy phải mất đến mấy lần tín hiệu đèn mới rẽ được vì phải nhường đường cho... ô tô.

Vấn đề này ở TP.HCM đã được giải quyết rất ổn thỏa với quy định, trên tuyến đường có phân làn, ô tô khi dừng đèn đỏ phải cách vạch ngã tư một khoảng nhất định để có chỗ dành cho những xe máy sẽ rẽ trái. Hơn nữa, theo ý kiến nhiều người dân, tuy rằng việc phân làn ra rõ ràng một bên là xe máy, bên còn lại là ôtô, tuy nhiên vào giờ cao điểm, lưu lượng xe máy tham gia giao thông trên đường cao gấp nhiều lần ôtô. Tại sao cơ quan chức năng không linh động ở những điểm này để phù hợp với thực tế mật độ phương tiện trên phố?

Cơ quan chức năng: Giá như phân luồng được... ý thức

Không phải bây giờ, Hà Nội mới bắt đầu thí điểm chuyện phân luồng. Nếu tính cả lần này, thì đây là là lần thứ tư Hà Nội tiến hành. Thế nhưng đáng nói ở chỗ ba lần trước, lực lượng chức năng đã phải “ngậm ngùi” thừa nhận thất bại. Thất bại vì hai lý do chính: Rào cản hạ tầng - thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách giao thông và ý thức của người dân tham gia giao thông.

Xin tạm khoan bàn tới rào cản hạ tầng vì đây là vấn đề lớn không thể nói hết trong khuôn khổ một bài báo, mà chỉ đề cập tới câu chuyện về ý thức. Ngay sáng 20/9 khi việc phân luồng bắt đầu triển khai, người viết bài đã ngỡ ngàng khi nghe thấy một câu chửi rất tục văng ra từ miệng người đi bên cạnh khi người hướng dẫn giao thông giơ gậy chỉ luồng đường anh ta được đi.

Trong những ngày qua, trên nhiều tuyến đường phân luồng có thể thấy người đi ô tô khá tuân thủ quy định về làn, thì người đi xe máy lại rất lộn xộn và chỉ vội vàng về đúng làn đường khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Đặc biệt buổi tối, khi không có người giám sát thì mọi việc lại đâu hoàn đấy.

“Giá như phân luồng được... ý thức”, là câu cảm thán của một thanh tra giao thông khi chứng kiến cảnh người dân, chỉ cần cách vị trí phân luồng hoặc người nhắc nhở khoảng 20m là lại hỗn loạn như cũ. Như vậy, không phải không có lý khi có rất nhiều người nghi ngờ sự thành công của lần phân luồng thứ tư này tại Hà Nội. Vì ý thức người tham gia giao thông là một trong những nhân tố quyết định việc thành công của lần này.

Tuy nhiên, tạo thói quen, ý thức chấp hành giao thông cho người dân không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều. Hay nói cách khác, đề án phân làn giao thông lần này có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành của người dân. Và chính điều này cũng khiến cho quyết tâm tách làn giao thông của Hà Nội khó càng thêm khó.

* “Nhìn từ khía cạnh chuyên môn, tôi cho rằng không thể áp dụng một giải pháp cho tất cả mọi đoạn đường mà cần có giải pháp phù hợp với chức năng của tuyến và đặc thù của từng dòng phương tiện”.

TS. Khuất Việt Hùng (Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT - Đại học GTVT)

“Hà Nội không nên quá cầu toàn từng làn xe 1 chỉ cần tách ra làm 2 làn xe: xe tải, xe ô tô và làn xe máy, xe thô sơ là phấn khởi lắm rồi”.

Ông Thạch Như Sỹ (Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.Hà Nội)

Rút kinh nghiệm trong buổi họp phân làn ngay sáng 20/9, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội cho rằng, làn dành cho ôtô nên thu lại, vẫn còn 2 làn nhưng hẹp hơn để dành bớt đường cho xe máy. Ông Tân cũng khẳng định sẽ tùy thuộc vào từng tuyến đường sẽ có cách tách dòng phương tiện phù hợp.

Minh Phương  

Đọc thêm