Vụ việc xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái. Cô gái 27 tuổi Marshae Jones mang thai 5 tháng. Trong một lần cãi vã với một người phụ nữ khác về người cha của đứa bé chưa chào đời, cô gái này đã bị người phụ nữ kia bắn nhiều phát vào bụng. Cô gái được cứu sống nhưng đứa bé trong bụng không qua khỏi.
Vụ việc xảy ra trên thực tế là như vậy. Ở bang này, luật pháp hiện hành coi đứa bé chưa chào đời như nạn nhân của sự việc xảy ra với mẹ nó. Trên thực tế và trong thực chất, đứa bé này theo luật kia thì đã bị giết hại mà thủ phạm là người phụ nữ đã nổ súng kia.
Thế nhưng người phụ nữ này lại không hề bị truy tố về bất cứ tội gì bởi được cho rằng đã nổ súng để tự vệ. Trong khi đó, cô gái bị bắn kia lại bị bắt giam và đưa ra xét xử trước toà với cáo buộc phạm tội sát hại chính đứa con chưa chào đời của mình.
Lập luận của các vị chánh án và thẩm phán cũng như của bồi thẩm đoàn là cô gái này gây chuyện cãi vã trước nên người phụ nữ kia mới nổ súng và vì thế đứa bé chưa chào đời này mới bị thiệt mạng. Theo lập luận này thì đứa bé chết không phải do mẹ nó bị người phụ nữ kia bắn thẳng vào bụng, mà bởi mẹ nó gây chuyện tranh cãi khiến cho người phụ nữ kia nổ súng.
Địa điểm nơi xảy ra sự việc người phụ nữ mang thai bị bắn |
Luật pháp ở bang này quy định coi đứa bé trong bụng mẹ là nạn nhân và từ đó có thể xác nhận ra là nó bị giết chết. Trên thực tế, nó bị giết chết bởi mẹ nó bị bắn, tức là trực tiếp gây ra cái chết đối với nó là hành động nổ súng của người phụ nữ. Toà án và bồi thẩm đoàn lại suy xét theo cách khác. Cách suy xét và biện luận ấy không được ai ở Mỹ chấp nhận cả.
Nhưng vì pháp luật giao cho toà quyền xét xử và giao cho bồi thẩm đoàn quyền phán xử nên cô gái vừa bị mất con, vừa bị trọng thương bởi người khác bắn, vừa bị kết tội nhiều năm tù, trong khi kẻ nổ súng không hề bị truy tố trước pháp luật và bị pháp luật trừng phạt.
Chuyện tưởng như không tưởng mà lại có thật ở nước Mỹ. Những suy xét và biện luận phản lô gic và tư duy thông thường lại đóng vai trò quyết định trong vụ án này và vụ xét xử này.
Người ngoài không thể không đặt ra câu hỏi tại sao lại như vậy, tại sao một toà án lại có thể xét xử vụ việc như vậy và tại sao bồi thẩm đoàn lại có thể đi đến phán quyết như vậy mà lại còn biện luận như vậy, cũng như tại sao không phải một người mà nhiều người trong đội ngũ chánh án, thẩm phán và bồi thẩm đoàn ở phiên toà này lại cùng có cách nghĩ và hành xử như thế?
Câu trả lời ở đây chỉ có thể là họ suy nghĩ và hành động không phải trên cơ sở những quy định của luật pháp hiện hành và chuẩn mực về đạo lý chung, mà bởi nghĩ rằng một khi đã được nhân danh pháp luật thì muốn suy diễn thế nào và hành xử theo kiểu gì cũng đều được, kể cả khi bẻ cong hay bất chấp cả luật pháp hiện hành. Rất may là sau đấy, toà phúc thẩm đã huỷ cả bản án lẫn vụ án này.