Hội nghị được đánh giá là rất kịp thời trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày một sâu rộng, đặc biệt với việc đàm phán thành công Hiệp định TPP vừa qua.
Góp phần thành công trong công cuộc hội nhập
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã điểm lại một số thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đến nay, Tập đoàn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt mức được giao.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, Tập đoàn đã và đang hành xử theo đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình với việc giành thắng lợi trong vụ kiện liên quan đến tranh chấp lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) theo hợp đồng phân chia sản phẩm với đối tác nước ngoài. Vụ kiện còn là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cho PVN và các đơn vị thành viên để có thể chuẩn bị ứng phó với mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của DN.
Cùng với PVN, các DN nhà nước ở Trung ương đều là các DN có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia như than, khoáng sản, dệt may, lương thực, bưu chính viễn thông…, hàng năm đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động.
“Thành công của các DN này trong hội nhập quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công chung của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong sự phát triển chung của các DN, có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế DN” – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt đã chia sẻ tại Hội nghị.
Nhận định của ông Đạt hoàn toàn có cơ sở bởi theo thống kê của Bộ Tư pháp, đã có 21 tổ chức pháp chế độc lập được hình thành trong số 33 DN nhà nước ở Trung ương. Cùng với đó, hiện có 1.260 người làm công tác pháp chế. Có thể nói, công tác pháp chế dần trở thành công cụ hữu hiệu giúp lãnh đạo các DN trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của DN, bảo đảm hoạt động của DN thực hiện trong hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng pháp luật
Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, đòi hỏi phải cân nhắc và giải quyết. Theo ông Trần Toàn Thắng (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) thì một nhu cầu cấp bách được đặt ra là cải cách thể chế. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với các nước, nhất là các nước phát triển, buộc Việt Nam phải thay đổi khung khổ pháp lý cho phù hợp và các DN, pháp chế DN cần chủ động tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại.
Giới thiệu một số vấn đề pháp lý và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Đức Kiên cho biết, với tư cách là nước nhận đầu tư thì quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam.
Theo các cam kết trong Hiệp định TPP, trường hợp Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam vi phạm các cam kết của mình liên quan tới đối xử công bằng thỏa đáng, không phân biệt đối xử, không quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư, kể cả việc không thực hiện tốt văn bản quy phạm pháp luật trong nước về các nội dung này…, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiện Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước ra trọng tài quốc tế.
Vì vậy, ông Kiên khuyến nghị trong quá trình giải quyết công việc, các DN cần tuân thủ đúng pháp luật, đúng cam kết, đúng quy trình, thủ tục và đúng thẩm quyền. Trường hợp phát sinh tranh chấp, DN nên tìm hiểu lý do, cơ sở pháp lý, trao đổi với nhà đầu tư và phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan…