Theo AFP, biện pháp mang tính nhượng bộ nói trên của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron được Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đưa ra trong một bài phát biểu hiếm hoi được truyền hình trực tiếp sau nhiều tuần nước Pháp chấn động bởi những vụ đụng độ bạo lực trên đường phố và những vụ việc phá hoại nghiêm trọng xảy ra tại Paris cuối tuần qua.
“Sự tức giận này nếu không nghe thấy, không nhìn thấy thì chỉ có người điếc và mù. Không thể để việc tăng thuế nhiên liệu đẩy sự đoàn kết dân tộc vào thế nguy hiểm”, ông Philippe nói.
Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng đưa ra một số nhượng bộ khác bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019 trong vòng 3 tháng mùa đông.
Kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô lẽ ra có hiệu lực từ đầu năm tới cũng được hoãn trong vòng 6 tháng.
Cuộc biểu tình của phong trào “áo vest vàng” bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối các chính sách tăng thuế mới của chính phủ của ông Macron. Phong trào lấy tên theo chiếc áo phản quang mà những người lái xe tại Pháp phải có trong xe.
Những người biểu tình cho rằng việc tăng thuế đánh trực tiếp vào diesel sẽ tăng làm chi phí sinh hoạt lên theo, gây ảnh hưởng lớn đến những người chủ yếu sử dụng xe ô tô vẫn phải đi lại làm việc hàng ngày, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi.
Trong suốt 3 tuần qua, hàng nghìn người mặc áo vàng đã tràn xuống đường làm tắc nghẽn nhiều tuyến đường trên các thành phố lớn khắp nước Pháp, gây đình trệ giao thông, rối loạn các hoạt động sản xuất tiêu dùng, đồng thời còn dẫn tới các vụ đụng độ với lực lượng an ninh.
Nghiêm trọng nhất là cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 1/12 tại Paris, khi một nhóm người mặc áo vàng đã phá hoại các cửa hàng trong các khu phố sầm uất nhất Paris, đốt phá xe hơi, cướp bóc các cửa hàng và quán cà phê. Hàng nghìn cảnh sát chống bạo động được huy động và phải dùng vòi rồng để giải tán những người quá khích. Đây được xem là một trong số cuộc bạo loạn tồi tệ nhất kể từ năm 1968 tại Pháp.
Giới chức Pháp cho biết đã có 263 người bị thương trong các cuộc biểu tình. Làn sóng biểu tình dẫn tới bạo loạn cũng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp thiệt hại hàng tỷ euro.
Vụ việc đã khiến Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phải hủy chuyến đi tới Ba Lan để dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp cũng đã phải hủy chuyến công du nước ngoài trong tuần này để giải quyết tình hình.
Theo Reuters, quyết định hoãn tăng thuế nhiên liệu đánh dấu bước thay đổi chính sách lớn đầu tiên của ông Macron kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017. Trước đó, Thủ tướng Philippe từng khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu bất chấp các cuộc biểu tình.
Trong một diễn biến có liên quan, theo Reuters, kết quả thăm dò dư luận do Ifop-Fiducial thực hiện cho thấy các cuộc biểu tình đã khiến tỉ lệ tín nhiệm của ông Macron giảm xuống chỉ còn 23%, giảm 6 điểm so với tháng trước còn số điểm tín nhiệm của ông Philippe giảm 10 điểm xuống chỉ còn 26%.
Theo Paris Match, điểm số của ông Macron đã giảm xuống bằng mức tín nhiệm của ông Francois Hollande vào cuối năm 2013, Ông Hollande khi đó được xem là tổng thống ít được tín nhiệm nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại.