Pháp hủy bỏ các kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019

(PLO) - Chính phủ Pháp dưới áp lực từ các cuộc biểu tình “áo vàng” phản đối chi phí sinh hoạt gia tăng kéo dài nhiều tuần qua đã tuyên bố hủy mọi kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019 và kêu gọi người dân bình tĩnh.
Người biểu tình tại Pháp
Người biểu tình tại Pháp

Theo AFP, phát biểu trên truyền hình Pháp, Bộ trưởng Môi trường nước này Francois de Rugy cho biết, kế hoạch tăng thuế dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1 tới sẽ bị hủy bỏ trong toàn bộ năm 2019. Đây là nhượng bộ mới nhất của chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron sau khi đã tạm hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng biểu tình do những người “áo vàng” phát động diễn ra trên cả nước.

Theo ông De Rugy, việc gia hạn thời gian hoãn tăng thuế là để thuyết phục những lo ngại rằng việc tăng thuế sẽ được thực hiện khi các cuộc biểu tình dừng lại. Chính phủ Pháp cũng đã thông báo dừng tăng giá điện và khí đốt và các quy định mới có thể ảnh hưởng tới người sử dụng các loại xe hơi cũ chạy bằng diesel.

Theo một nguồn tin tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp đã cảnh báo về khả năng tái diễn bạo lực trong đợt biểu tình mới dự kiến diễn ra vào ngày 8/12 tới tại Paris và nhiều địa phương khác trên khắp nước Pháp. “Chúng tôi có lý do để lo ngại về làn sóng bạo lực quy mô lớn”, nguồn tin nói trong bối cảnh phong trào “áo vàng” đã kêu gọi tiếp tục biểu tình sau khi đã có đến 4 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vì các cuộc biểu tình bạo lực thời gian qua. 

Trước lo ngại này, ông Macron và Chính phủ của ông đã kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, đồng thời tỏ những dấu hiệu cho thấy sẽ tiếp tục có những nhượng bộ hơn nữa nhằm tránh bạo lực gia tăng. “Thời khắc mà chúng ta đang trải qua không chỉ là sự đối lập chính trị mà là về nền cộng hòa”, Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux nói sau cuộc họp Nội các. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại một cuộc họp của Quốc hội cũng đã kêu gọi các bên hành động có trách nhiệm bởi an ninh của người Pháp và các thể chế của Pháp đang bị đe dọa. 

Cùng với đó, Chính phủ của ông Macron cũng đã để ngỏ khả năng khôi phục lại thuế tài sản (ISF) – hay còn được nhiều người gọi là “thuế nhà giàu” nhằm vào những hộ gia đình có thu nhập cao. Được thi hành từ năm 1982, ISF quy định những hộ gia đình Pháp có giá trị tài sản trên 1,3 triệu euro (tương đương 1,4 triệu USD) sẽ phải đóng thêm thuế với phần tài sản vượt trội này dù họ đã bị đánh thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, ông Macron đã quyết định sửa chính sách thuế này với việc thu hẹp phạm vi tài sản bị đánh thuế chỉ còn với bất động sản thay vì gồm toàn bộ các tài sản trên thế giới, bao gồm từ trang sức tới du thuyền và các khoản đầu tư của các cá nhân. “Nếu một biện pháp mà chúng tôi đang thực hiện tốn kém tiền công nhưng không hiệu quả, chúng tôi sẽ thay đổi”, Người phát ngôn Chính phủ Pháp Griveaux nói khi được hỏi về khả năng thay đổi chính sách thuế.

Theo một số ước tính, việc thực thi chính sách thuế mới này đã khiến ngân sách Pháp mất khoảng hơn 4 tỷ euro/năm (4,5 tỷ USD/năm). Thay đổi chính sách này cũng khiến ông Macron bị gọi là “Tổng thống của người giàu” vì bị chỉ trích là giúp người giàu tích lũy thêm được tài sản. Việc khôi phục quy định tài sản thu thuế cũ đối với tầng lớp giàu có là một trong những yêu cầu chủ chốt của những người biểu tình “áo vàng” – phong trào biểu tình phản đối quyết định tăng thuế nhiên liệu ở Pháp thời gian qua. 

Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 6/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về tình hình người Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra tại Pháp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, ngay từ khi xảy ra các vụ việc biểu tình, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thường xuyên theo dõi tình hình, cử người túc trực đường dây nóng để địp thời hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp gặp khó khăn. Bộ Nội vụ Pháp thông báo đến nay không có trường hợp người nước ngoài nào bị ảnh hưởng trong các vụ việc trên. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng bởi các vụ biểu tình.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết, đồng thời có hình thức phù hợp khuyến cáo công dân Việt Nam lưu ý, tránh đến các khu vực xảy ra biểu tình. “Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp theo số +33-01-44146400 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân theo số +84-981-848484”, bà Hằng nói.

Đọc thêm