Nghị định 52 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có hiệu lực. Theo đó, việc sử dụng điện thoại di động ở cây xăng có thể bị phạt tới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, cơ quan chức năng cho biết vẫn… chưa xử lý ai dù vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Kể từ ngày 5/8/2012, Nghị định 52 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có hiệu lực. Theo đó, việc sử dụng điện thoại di động ở cây xăng có thể bị phạt tới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, cơ quan chức năng cho biết vẫn… chưa xử lý ai dù vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Không thể đứng “rình” để phạt
Thực ra, không phải chỉ đến khi Nghị định 52/CP được ban hành thì việc dùng điện thoại di động tại một số khu vực dễ gây cháy nổ, trong đó có cây xăng, mới bị “cấm” ráo riết đến vậy. Thực tế, để đảm bảo an toàn cho những khu vực này, các biển cấm hút thuốc, cấm dùng điện thoại di động… đã được trưng ra ở khắp nơi; người vi phạm còn có thể bị xử phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng (theo quy định của Nghị định cũ).
Tuy nhiên, dường như đại đa số người dân vẫn rất “thờ ơ” với quy định này, ngay cả khi mức phạt được nâng lên gấp 10 lần (từ 2 đến 5 triệu). Nói vậy tức là, đến bất kỳ một cây xăng nào đó cũng dễ thấy hình ảnh người dân vô tư “a lô” trong khi đang mua/bán, trong phạm vi cấm của cây xăng.
|
Mặc cho quy định, nhiều người vẫn vô tư sử dụng điện thoại khi bơm xăng |
Việc sử dụng điện thoại tại cây xăng rõ ràng là vi phạm, tuy nhiên, lại rất thiếu vắng bóng dáng của lực lượng xử phạt. Theo quy định của Nghị định 52, một số chức danh được quyền phạt mức 5 triệu như Trưởng Công an quận, huyện, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội…
Tuy nhiên, thực tế lực lượng này không thể (đương nhiên) lúc nào cũng có mặt tại các cây xăng để xử phạt, bởi lẽ đội ngũ này hiện rất mỏng, lại phải ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hơn. Trong khi đó, nếu muốn phát hiện vi phạm thông qua công tác kiểm tra thì việc kiểm tra phần lớn chỉ tiến hành theo định kỳ, thi thoảng mới có những đợt kiểm tra đột xuất.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm; b) Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định. (Khoản 3 Điều 11 Nghị định 52/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy) |
Một khó khăn khác trong việc phát hiện xử lý vi phạm, theo Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàng Mai (Hà Nội) - là thiếu chế tài buộc người ta phải thực hiện. Cụ thể, quy định phạt 5 triệu nhưng làm thế nào để người vi phạm phải nộp số tiền đó thì chưa có quy định.
Nếu như Cảnh sát Giao thông được quyền giữ xe, bằng lái xe…để buộc người vi phạm phải nộp phạt thì lực lượng Cảnh sát PCCC lại giống như người “tay không bắt giặc”.
Trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC còn quá mỏng, không thể túc trực thường xuyên thì các nhân viên bán xăng cũng chỉ có thể phát hiện hành vi sử dụng điện thoại chứ họ không thể giữ người hay giữ xe của người vi phạm để chờ… người có thẩm quyền đến xử phạt.
Trường hợp lực lượng chức năng chủ động phát hiện ra vi phạm nếu không “bắt quả tang tại chỗ” thì cũng rất dễ bị xóa dấu vết (vì thời gian vi phạm diễn ra cực ngắn), hoặc người vi phạm đã “biến mất khỏi hiện trường”.
Phạt nặng, ý thức có cao?
Thi hành chưa được bao lâu, song với quy định xử phạt tới 5 triệu khi dùng điện thoại ở cây xăng, nhiều người cho rằng rất khó khả thi trên thực tiễn vì những bất cập nêu trên. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định phạt cao như vậy chủ yếu để răn đe, giáo dục là chính. Và thực tế thời gian đầu triển khai cũng đã chứng minh điều này bởi hiện tại hầu như chưa có ai bị xử lý về hành vi này.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Lâm thì: “Biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền cho mọi công dân nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, tự giác không sử dụng điện thoại di động tại cây xăng”. Thượng tá Đinh Văn Ngàn - Trưởng phòng Tham mưu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM - đồng tình với nhận định này và cho biết, kể từ trước khi Nghị định 52 có hiệu lực, TP đã tổ chức tuyên truyền các quy định mới đến người dân TP bằng nhiều hình thức.
Theo Thượng tá Ngàn, ngoài việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhân viên cây xăng hoặc người đổ xăng cũng cần có trách nhiệm trong việc ngăn chặn và báo cáo cho cơ quan chức năng về những hành vi như nghe điện thoại ở cây xăng. “Các cơ sở phải bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC theo quy định. Nếu người có trách nhiệm không phổ biến nội quy, quy định về PCCC cho những người trong phạm vi quản lý của mình cũng sẽ bị xử phạt” - ông Ngàn nói.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về PCCC thì cũng cần phải xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm (thậm chí, nếu việc sử dụng điện thoại ở cây xăng mà gây ra cháy nổ, thì người vi phạm phải bị xử lý hình sự).
Nhưng, để làm được điều này thì cần bổ sung, tăng cường lực lượng PCCC, có cơ chế phối hợp tốt giữa lực lượng chức năng và các đại lý, cửa hàng xăng dầu… Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo quy định này khả thi trên thực tế (ví dụ quy định cụ thể thẩm quyền của Cảnh sát PCCC, các vấn đề về chứng cứ vi phạm, biện pháp cưỡng chế…).
Thu Hằng