Theo đó, vào ngày 16/5, buổi phát hành bộ tem được tổ chức tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Bộ tem gồm 01 mẫu tem, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền hình ảnh quê hương của Người, bên cạnh là Bảo tàng Hồ Chí Minh với biểu tượng bông sen trắng thanh tao đang vươn cánh, gợi nhớ đến Làng Sen – ký ức tuổi thơ của vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Bộ tem kỷ niệm 130 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Bộ tem có khuôn khổ 43 x 32 (mm), có giá mặt 4.000 đồng do họa sỹ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ 16/5/2020 đến 31/12/2021.
Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành nhiều bộ tem kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn về lịch sử của Bảo tàng Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (02/9/1969), ngày 25/11/1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 206-NQ/TW thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, với khối lượng tài liệu, hiện vật và ảnh tư liệu gốc đồ sộ, độc bản, quý hiếm, Bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất” năm 1987.