Phát hiện ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Tỉnh Bắc Giang vừa ghi nhận một ca bệnh bạch hầu lây nhiễm từ 1 bệnh nhân khác đã tử vong ở Nghệ An.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 8/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang thông tin về trường hợp bệnh nhân M.T.B (18 tuổi, quê Nghệ An, hiện tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.

Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Bước đầu xác định, từ ngày 25-28/6, chị M.T.B và một người khác về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn, Nghệ An về huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, chị B và bạn chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống.

Sau khi phát hiện ca bệnh này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; Tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Đồng thời, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.

Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang làm các thủ tục chuyển ngay ca bệnh này lên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị do trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu; Chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra.

Các đơn vị khác được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân. Trong đó, các trạm y tế trên địa bàn sẽ khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib và DPT4 thì cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét vào các buổi tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo an toàn...

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Theo WHO, bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên ngày càng tăng. Bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vaccine.

Đọc thêm