Dự án thứ 13 mà thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhắc đến là Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án này là 522 triệu USD, trong đó vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD.
Theo Vinachem, dự án này được khởi công ngày 13/9/2015 tại huyện Nongbok, tỉnh khammuane, Lào. Trước đó, ngày 4/3/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt đầu tư Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào. Ngày 6/3/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án. Ngày 12/8/2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ký Hợp đồng EPC với nhà thầu liên danh TTCL, K-UTEC, CECO với giá trị hợp đồng 334 triệu USD với thời gian là 40 tháng.
Dự án có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm, tiến hành khai thác vào năm 2020, công suất 320.000 tấn một năm. Tuy nhiên sau hơn 2 năm thực hiện, đến năm 2017 thì dự án đã tạm dừng.
Như vậy, cộng với 4 dự án phân đạm trước đó, đến nay Vinachem có 5 dự án nghìn tỷ tồn đọng, yếu kém của ngành công thương. Do ảnh hưởng của 4 dự án phân tồn đọng, yếu kém nên dù 20 đơn vị khác của Tập đoàn làm ăn có lãi nhưng đã kéo theo cả Tập đoàn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận gộp cả năm 2017 chỉ ước đạt 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị thứ trưởng cho biết, 4 dự án tồn đọng đã có những tín hiệu lạc quan; kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn năm ngoái; sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng cao, số lỗ giảm. Đặc biệt, Công ty DAP – Vinachem lũy kế cả năm đã có lãi.
Theo Vinachem, năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn này đạt 42.198 tỷ đồng; doanh thu đạt 44.971 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 47 tỷ đồng; trong đó lãi phát sinh là 2.162 tỷ đồng, lỗ phát sinh 2.115 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.778 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2018, Tập đoàn này phấn đấu doanh thu 46.481 tỷ đồng; lợi nhuận 60 tỷ đồng.