Phát huy di sản văn hóa như những “báu vật quốc gia”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Di sản văn hóa không chỉ chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng mà còn là điểm nhấn khi du khách quốc tế đến Việt Nam với mong muốn khám phá chiều sâu giá trị, hồn cốt Việt.
 Di sản văn hóa là vốn quý của dân tộc. (Ảnh minh họa)
Di sản văn hóa là vốn quý của dân tộc. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một khía cạnh hết sức quan trọng trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Di sản văn hóa phải luôn trong “vòng tay” cộng đồng

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch – trùm nữ duy nhất của phường Xoan tỉnh Phú Thọ vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 nhờ những đóng góp xuất sắc trong việc truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan, góp phần đưa hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Qua câu chuyện của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch có thể thấy, vai trò của cộng đồng trong việc nắm giữ di sản là rất quan trọng. Phường Xoan của bà Lịch ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều người yêu Xoan, từ các em nhỏ cho tới các bậc cao niên. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện đã có hơn 200 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, trong đó có 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Không những tạo điều kiện vật chất, tinh thần để giúp nghệ nhân gìn giữ di sản, tỉnh Phú Thọ còn tạo sân chơi cho các nghệ nhân có thêm đam mê, động lực giữ nghề. Sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với tour du lịch hằng ngày từ Hà Nội đi Phú Thọ ra mắt chính thức phục vụ du khách từ tháng 4/2018 được đông đảo nghệ nhân hát Xoan tham gia…

Trao đổi với truyền thông, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam từng nhấn mạnh rằng, di sản văn hóa phi vật thể không tồn tại một cách độc lập mà do con người tạo ra. Các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm thủ công, ẩm thực... đều xuất phát từ tri thức và kỹ năng được lưu giữ trong trí nhớ con người. Chỉ khi chúng được thực hành và truyền đạt thường xuyên thì di sản mới được bảo vệ và phát huy giá trị.

“Điều đó cho thấy vai trò tối quan trọng của các chủ thể - những cộng đồng nắm giữ di sản. Cộng đồng là người có thẩm quyền cao nhất trong việc quyết định những gì có giá trị và phù hợp để gìn giữ và phát huy. Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam là quốc gia thành viên, nhấn mạnh tầm quan trọng của “các cộng đồng, nhóm người, trong một số trường hợp là cá nhân có liên quan” trong bảo vệ di sản. Công ước đòi hỏi mọi biện pháp bảo vệ di sản phải có “sự tự nguyện, đồng thuận trước, được duy trì trên cơ sở đầy đủ thông tin” của cộng đồng chủ thể. Vì vậy, để phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản phải luôn đặt cộng đồng ở vị trí trung tâm”, theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng.

Thông điệp tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 đang diễn ra từ ngày 18 - 23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cũng nhấn mạnh việc phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến 2030

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cũng là một trong 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt ngày 12/11/2021. Chiến lược này cũng là một nội dung sẽ được quán triệt tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra ngày 24/11/2021.

Chia sẻ về 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đầu tiên là phải nâng cao nhận thức đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa để tuyên truyền, phát triển và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước tình hình mới.

Tiếp theo, tập trung phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành Văn hóa đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo ra động lực phát triển cho đất nước. Các môi trường văn hóa phải hướng vào có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện nhưng phải có điểm nhấn…

Cũng theo người đứng đầu ngành VH,TT&DL, một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa của ngành là bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Di sản văn hóa là những báu vật của quốc gia và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Những di sản văn hóa được UNESCO công nhận, di tích cấp quốc gia đặc biệt... phải được tôn tạo, giữ gìn và phát huy. Để từ đó, các di sản kết nối con người tới quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần giúp chúng ta hun đúc cốt cách, hồn cốt dân tộc.

“Du khách quốc tế đến Việt Nam một phần vì văn hóa, mong muốn khám phá chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và sự mến khách; tìm hiểu những giá trị nghệ thuật riêng có của nước ta...” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù phát triển văn hóa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù thúc đẩy phát triển văn hóa. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cân đối, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí cho phát triển văn hóa, thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù thúc đẩy phát triển văn hóa, trình Chính phủ xem xét, quyết định.