Phát huy tối đa lợi thế của báo chí trong định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội

(PLVN) - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: Năm 2021, báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, nhất là đối với thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Điểm cầu Trung ương được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội và các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Hà Nội.

Báo chí tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ

Báo cáo tóm tắt công tác báo chí năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày cho biết: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, cũng là năm dịch COVID-19 hoành hành, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống. Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, hoạt động báo chí tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung trong công tác tuyên giáo của Đảng, nhất là đối với thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được các cấp hội quan tâm, triển khai đến từng chi hội, hội viên, góp phần nâng cao nhận thức của người làm báo về vai trò, trách nhiệm chính trị, sứ mệnh của báo chí cách mạng; góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Mặc dù vậy, về cơ bản, các cơ quan báo chí năm 2021 đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Ngoài ra, năm 2021, báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng Đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm…

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19; chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm...

Đáng chú ý, trong năm 2021, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí

Về những hạn chế thiếu sót, Báo cáo chỉ rõ trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội. Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận...

Các đồng chủ trì Hội nghị.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, tạo điều kiện để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, năm 2022, báo chí cả nước cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí;

Quan tâm và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.

Tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc; có quy chế, quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với sai phạm của cơ quan báo chí.

Quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh nghiêm hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, trên tinh thần chú trọng các chương trình, tin bài nhằm phản ánh toàn diện, khích lệ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, con người tại địa bàn.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí, nhất là Luật Báo chí nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...

Tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo.Tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo.

Đối với cơ quan chủ quản báo chí, quan tâm và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí; quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm…

Ông Trần Thanh Lâm cho biết, năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 781 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

Đọc thêm