Phát triển Chính phủ điện tử: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

(PLVN) - Ngày 8/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến: “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chủ trì hội thảo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chủ trì hội thảo.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Okuda Naohiko, Cục Quản lý hành chính, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, việc đối phó với dịch Covid-19 đã làm nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số tại Nhật Bản, làm thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong thiên tai, tình hình dịch bệnh.

Để giải quyết một cách cơ bản vấn đề trên, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc. Một sự đột phá là thành lập Cục Kỹ thuật số (Digital Agency, dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 9/2021) như một “bộ chỉ huy” để thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, đóng vai trò trọng trách về chính phủ số trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ mất 1-2 năm để triển khai và dự kiến tập hợp nhân lực trình độ cao không phụ thuộc nhà nước hay tư nhân tham gia. Đây là tổ chức dẫn đầu quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội tại Nhật Bản.

Từ chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, đại diện các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của bộ, cơ quan, địa phương mình. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...

Kết luận tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc phải tái cấu trúc lại các thủ tục và có sự kết nối, chia sẻ. Nếu còn cát cứ dữ liệu ở đâu đó thì không thành công.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm không chạy theo thành tích, số lượng dịch vụ công trực tuyến đưa lên; đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phù hợp với nhu cầu người dân, doanh nghiệp, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục, quy trình…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tin tưởng, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cùng với sự hỗ trợ, kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và Việt Nam số trong tương lai.

Đọc thêm