Phát triển hệ thống đường sắt đô thị: Huy động hiệu quả nguồn lực từ đất đai

(PLVN) -Ngày 18/1, tại các phiên chuyên đề của Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển hệ thống công trình đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Do vậy, cần triển khai các giải pháp để huy động nguồn lực quan trọng là đất đai.
Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Triệu Oanh).

Bảo đảm giải phóng mặt bằng đi trước một bước

Sáng 18/1, phát biểu khai mạc phiên chuyên đề giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai dự án để phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác GPMB sẽ góp phần đẩy nhanh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại Hội thảo.

(Ảnh: Triệu Oanh)

Tại Hội thảo, ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, sau hơn 1 năm 6 tháng kể từ khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, 3 tỉnh, TP có dự án đi qua là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, triển khai đồng loạt các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Đến nay, đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra.

Nêu kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, ông Đỗ Đình Phan nhấn mạnh, xác định khâu GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, TP Hà Nội đã đề xuất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, GPMB không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc GPMB sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Tạo sự đồng thuận của người dân để thuận lợi triển khai

GS. TSKH Đặng Hùng Võ tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Triệu Oanh)

Tham luận tại Hội thảo, GS. TSKH Đặng Hùng Võ thông tin, trên thế giới, từ những năm 1960, các nước đã triển khai mô hình TOD giúp quá trình đô thị hóa trở nên hiệu quả. Khi thực hiện các tuyến đường sắt trên cao hoặc tuyến ngầm, vận dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất là đúng đắn vì đây là dự án phục vụ công cộng, không vì lợi ích tư nhân. Các nước cũng áp dụng cơ chế thu hồi đất để phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, ông Đặng Hùng Võ cho rằng có 2 vấn đề lớn cần tìm cách vượt qua, trước hết là nguồn lực tài chính để thực hiện. Giải pháp cho vấn đề này là tìm cách thu giá trị đất đai tăng thêm do đô thị đã nâng cấp mang lại.

Ông Yao Chenji - đại diện Metro Thâm Quyến, Trung Quốc nêu kinh nghiệm giúp việc thu hồi đất và GPMB khi xây dựng đường sắt đô thị của Metro Thâm Quyến được nhanh chóng. Đó là việc triển khai luôn hướng tới lợi ích công cộng và dựa trên pháp luật; bảo đảm quyền sở hữu tài sản, giải quyết các vấn đề về hành chính liên quan đến hỗ trợ về chính sách của chính quyền địa phương một cách nhanh nhất và bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện; sự hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp; dựa trên điều kiện địa phương và thực hiện nhiều biện pháp…

Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai

Chiều 18/1, phát biểu khai mạc phiên hội thảo với chủ đề “Huy động nguồn lực từ đất đai”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, cả trong nước và quốc tế, cả trong quá khứ và tương lai, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị nói chung đòi hỏi cần huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư, nhất là đối với hệ thống công trình đường sắt đô thị. Trong các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị, đất đai là một nguồn lực quan trọng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp để huy động nguồn lực từ đất đai, như các biện pháp tổ chức khai thác nguồn lực đất đai trong phát triển đường sắt đô thị, bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài; cơ chế, chính sách để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và các đối tượng có liên quan; các biện pháp để đất đai là nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển đô thị nói chung, phát triển đường sắt đô thị nói riêng.

Các ý kiến cho rằng, trong sự phát triển chung của đô thị, đất đai là nguồn lực giá trị, quan trọng, có nhiều tiềm năng khai thác. Vì vậy, cần đầu tư dùng quỹ đất để phát triển đường sắt đô thị nhưng đồng thời cũng cần khai thác ngược giá trị từ đất đai thông qua đấu giá, cho thuê quyền sử dụng đất, không gian ngầm và khoảng không trên cao thông qua đấu thầu… để tránh lãng phí tài nguyên.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Võ Trung Trực:

“Thu hồi đất, GPMB là công tác khó khăn, vất vả nhất để phát triển các dự án Metro, TOD. Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tại Điều 79 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã bổ sung tại khoản 1 các trường hợp các loại hình đường sắt; nhà ga đường sắt... Khoản 26 của Điều này cũng quy định trường hợp dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển. Sắp tới, khi thực hiện các nghị định cần phải làm rõ quy định, đặc biệt phải làm rõ chi tiết vùng phụ cận để tạo thuận lợi cho việc triển khai.

Liên quan đến việc bồi thường, khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua tính toán của chúng tôi, nếu thực hiện theo khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai (sửa đổi) có thể tiết giảm được 60% kinh phí bồi thường của các dự án so với thực hiện Luật Đất đai năm 2013”.

Luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT:

“Để thành công trong việc triển khai các dự án TOD, cần tập trung đồng thời vào cả khía cạnh pháp lý và thu hút nhà đầu tư. Bằng cách vượt qua những phức tạp của các quy định, bảo đảm các mô hình tài chính minh bạch và xây dựng mối quan hệ hợp tác, Nhà nước có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân và sự thành công dài hạn của dự án. Ngoài việc thu hút đầu tư tư nhân (100%) cho các dự án bất động sản xung quanh TOD, thì một khả năng khác là thu hút đầu tư dưới hình thức PPP vào các dự án TOD. Ví dụ, đối với tuyến Metro số 1 ở TP Hồ Chí Minh, đoạn nối dài từ Suối Tiên đến Sân bay Long Thành có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng đường sắt đô thị, Nhà nước trả tiền xây dựng bằng cách cấn trừ với tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư phải trả cho các dự án đô thị xung quanh khu Metro đó”.

Đọc thêm