Phát triển hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa

(PLVN) - Sáng 23/2, tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Bộ Tư pháp, các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: quochoi.vn).
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: quochoi.vn).

Nội dung làm việc là về triển khai kế hoạch thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đồng chủ trì cuộc làm việc.

Khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn

Theo Bộ Tư pháp, thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội (QH) về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tại cuộc họp, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc sửa đổi Luật Công chứng 2014 nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp (trong đó có lĩnh vực công chứng thuộc hoạt động bổ trợ tư pháp); bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng. Việc sửa đổi Luật cũng góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế...

Một số đại biểu cho biết, trong năm 2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp khảo sát tại một số địa phương, nghiên cứu thực trạng của hoạt động hành nghề công chứng trên toàn quốc. Ủy ban Pháp luật cũng đã tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng. Qua phiên giải trình cho thấy, sau hơn 8 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Công chứng 2014 đã phát huy, điều chỉnh có hiệu quả hoạt động công chứng, được Nhân dân đồng tình, đón nhận. Hoạt động công chứng có những bước phát triển cả về chất và lượng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là dịch vụ cơ bản thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật về công chứng vẫn còn những vấn đề vướng mắc, bất cập cần khắc phục như trong đào tạo, bồi dưỡng, tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng...

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ những vấn đề đặt ra sau phiên giải trình, làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi Luật và các nhóm chính sách lớn để tăng tính thuyết phục.

Quy định cụ thể lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

Một trong những chính sách lớn của dự thảo Luật được chú ý là xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Đề nghị xây dựng dự án Luật bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng như: bổ sung quy định cho phép tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng từ xa thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng; thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử; bổ sung quy định về hồ sơ công chứng điện tử và lưu trữ điện tử; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, việc thực hiện một số hoạt động công chứng trên môi trường điện tử là điều tất yếu, giúp cho việc gửi và nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm hơn; cho phép nghiệp vụ công chứng được thực hiện từ xa, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, tiết kiệm chi phí.

Song, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng việc cho phép thực hiện công chứng trên môi trường điện tử cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá cụ thể tác động tích cực, tác động tiêu cực, làm cơ sở để xây dựng quy định cụ thể, khả thi. Đồng thời, Chính phủ cần cung cấp Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về công chứng điện tử của các nước theo mô hình công chứng nội dung trên thế giới để các cơ quan của QH có thêm cơ sở xem xét, đánh giá tính khả thi của chính sách.

Trường hợp bổ sung quy định này vào dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động công chứng ngay trong Luật Công chứng (sửa đổi) mà không giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của chính sách đã được xác định trong Luật.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, các đại biểu cho rằng cần đánh giá về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng, công tác tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; làm rõ các nguyên nhân để có giải pháp và sửa đổi các quy định của Luật một cách phù hợp, căn cơ, thấu đáo.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương ghi nhận Bộ Tư pháp thời gian qua đã tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi), nghiêm túc tiếp thu Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2024. Bà Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng dự thảo Luật có chất lượng cao.

Đọc thêm