Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đưa ra tại Hội thảo lần thứ 4 về “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường - ICEPORM 2024” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/3, tại thành phố Quy Nhơn.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định, Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung hiện vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo các hệ sinh thái trên Trái Đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có.
Theo ông Lê Công Thành, thực tế trên đang gia tăng các thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.
“Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng này buộc chúng ta cần phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Nhiệm vụ quan trọng Việt Nam cần tập trung thời gian gần đây là triển khai chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cùng tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả ô nhiễm; bảo đảm chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về phía quốc tế, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. “Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới”, đại diện USAID tại Việt Nam nhấn mạnh.
Chương trình Hội nghị diễn ra từ ngày 4/3 đến ngày 7/3. Một số chuyên đề lớn được trình bày, thảo luận như: Quản lý môi trường tại Việt Nam: Hiện trạng và Giải pháp; Ô nhiễm kim loại và ảnh hưởng đến sinh vật sống; Xử lý môi trường và Công nghệ; Giám sát môi trường nước, đất, không khí và sinh vật; Đánh giá rủi ro sinh thái và sức khỏe; Biến đổi khí hậu, tác động môi trường và cách thức quản lý…
Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế diễn ra nhằm trao đổi thông tin một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam, thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.