“Trên nóng, dưới lạnh”
Phát biểu tại thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, qua báo cáo đánh giá của Chính phủ, điểm nổi bật nhất, căn bản nhất là cả 13 chỉ tiêu trong nghị quyết của QH đều dự kiến đạt và vượt. “Đây là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, sự cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ”- ĐB nói.
Tuy nhiên, ĐB Cương cũng cho rằng, ưu điểm có được là rất lớn, rất căn bản nhưng hạn chế, nhược điểm của bộ máy hành chính nhà nước cũng “không phải không đáng đề cập”. Điều rất dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.
Chứng minh cho nhận định của mình, ĐB Cương lấy dẫn chứng về tình trạng buôn lậu. Theo đó, ĐB cho hay, báo cáo của Chính phủ cho rằng “tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra”, nhưng trên thực tế, tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển. “Thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê để từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu”, ĐB nhận xét.
Ngoài ra, ĐB Cương cũng nêu về tình trạng phá rừng như một điển hình cho tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ”, ĐB nhận xét và cho hay, một chủ rừng mà ông từng tiếp xúc nói rằng nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì “lâm tặc” không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cũng cho rằng Trung ương Đảng, QH, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ, ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn “chưa thực sự động”. Theo ĐB Hiểu, con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, tham mưu theo kiểu hại nước, lợi mình, thiếu công khai minh bạch và can thiệp trái pháp luật còn phổ biến. “Đó là những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao”- ĐB nói.
Nghịch lý khu vực FDI
Cho rằng lĩnh vực đầu tư công tuy đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, nhưng ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cũng chỉ ra tình hình thực tế vẫn chuyển biến chậm, ước cả năm giải ngân được 84% kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến mới đạt 30% kế hoạch.
Theo ĐB Hưng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có nguyên nhân do Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định, nhiều bước thủ tục, mất nhiều thời gian thực hiện. Chung nhận định này, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng việc phân bổ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm, nhiều vướng mắc trong thực hiện giải ngân, có sự thiếu chủ động, chậm tham mưu, xử lý, ách tắc cho địa phương, cơ sở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và tăng trưởng.
Do đó, các ĐB đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát trình QH sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư công trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn vị, tăng cường giám sát và có các chế tài xử lý nghiêm minh.
Tại phiên họp, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận xét, sau 25 năm, khu vực FDI đã đóng góp cho GDP từ 2% của năm 1992 lên 20% của năm 2016 và giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD. Thế nhưng khu vực này chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15 - 19%, thấp nhất trong 3 khu vực. “Thống kê giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều ngược đời là càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất”, ĐB nêu vấn đề.
Chưa hết, thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố cho thấy 1 nghịch lý là doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất là 46% nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần. Vẫn theo ĐB Nhân, một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ nhưng theo thống kê, 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5 - 6% là công nghệ cao, các công đoạn được thực hiện tại Việt Nam đa phần là khâu lắp ráp. Do vậy, ĐB Nhân đề nghị nhìn nhận lại chính sách ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp FDI, bao gồm miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép lỗ, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng đề nghị phân tích kỹ xem thực chất các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị này đạt đến đâu và đạt giá trị nội địa hóa là bao nhiêu; xem xét rõ việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Nếu chúng ta không kết nối được thì sẽ không tận dụng được đầu tư tiến bộ khoa học công nghệ, tiến bộ trong quản lý và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực FDI thì những ưu đãi của chúng ta sẽ lãng phí, thiệt thòi cho các doanh nghiệp của Việt Nam”, ĐB nói.
Chú trọng công tác dự báo phòng chống thiên tai
Tại phiên họp, ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cho rằng, về vấn đề ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng dù đã được cảnh báo trong nhiều năm qua nhưng diễn biến trên thực tế đang và ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến thành quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó có nguyên nhân từ sự chủ quan là để mất rừng tự nhiên.
Với nhận định như vậy, ĐB Hưng đề xuất thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, đá, cát, sỏi trái phép… Cùng quan điểm, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng cho rằng một trong những giải pháp phòng, chống thiên tai thì cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng. ĐB đề xuất tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống xảy ra, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đồng tình với các ĐB cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn do thiên tai thời gian qua là do dự báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tới đây, Bộ sẽ triển khai thi hành Luật Khí tượng thủy văn, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào công tác dự báo, trong đó có kế hoạch xây dựng thêm 3.000 điểm dự báo mưa ngoài 1.300 điểm hiện có nhằm nâng cao công tác dự báo.
Ngoài ra, ông Hà cũng đề nghị các địa phương, bộ, ngành rà soát các bản đồ về lũ quét, địa chất để bố trí dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, sắp xếp lại dân cư đồng thời chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng...