Bốn nguyên nhân “níu chân” Tây Nguyên phát triển
Với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị lần này là hội nghị “3 trong 1” gồm triển lãm ảnh “Tây nguyên xanh: Hài hòa- Bền vững”, qua đó hiện lên hình ảnh Tây Nguyên hùng vĩ; triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư cho vùng Tây Nguyên. Cả 3 nội dung này hòa quyện với nhau và tư tưởng, mục tiêu chung là phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh trong khuôn khổi Hội nghị. |
Thủ tướng đánh giá các ý kiến, tham luận tại hội nghị thể hiện sự tâm huyết, hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm với vùng Tây Nguyên, thể hiện khát vọng đưa Tây Nguyên phát triển và đề nghị Bộ KHĐT và các địa phương tổng hợp, báo cáo Chính Phủ.
Đúc kết các tham luận, ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh vùng Tây Nguyên có vị trí đắc địa, quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Vùng Tây Nguyên có nhiều cơ hội nổi trội, tiềm năng cạnh tranh lớn nhưng phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra đó là hạ tầng chiến lược như thể chế, quy định, cơ chế chính sách đặc thù, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên thiếu nguồn lực phát triển. Thủ tướng phân tích cụ thể, về nguồn nhân lực vừa thiếu số lượng vừa chưa có chất lượng cao; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất hiện chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư của nhà nước, các nguồn lực bên ngoài, nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa nhiều.
Nguyên nhân nữa được Thủ tướng chỉ ra đó là tính kết nối của Tây Nguyên chưa tốt; toàn vùng chưa xây dựng được nhiều thương hiệu tầm cỡ quốc gia, thế giới: “Các nguyên nhân thì nhiều nhưng tôi khái quát lại 4 nguyên nhân cơ bản như vậy”, Thủ tướng nói.
Phát huy tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc
Về quan điểm, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, trước tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế xã hội là hai mặt song song của một quá trình nhưng tùy theo giai đoạn, tình hình thực tế để có sự ưu tiên cho phù hợp. Trong giai đoạn hiện này cần chú trọng phát triển kinh tế- xã hội, từ đó góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở Tây Nguyên. Ngược lại, khi chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tây Nguyên cần chú trọng xây dựng các thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế. |
“Thứ hai cần quán triệt quan điểm tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, khung trời mảnh đất của mình. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá”, Thủ tướng nói, đồng thời chỉ rõ các nguồn lực bên trong của Tây Nguyên như con người, văn hóa, thiên nhiên rất phong phú, phong phú. Đặc biệt Tây Nguyên có truyền thống lịch sử hào hùng. Cùng với đó, Tây Nguyên cần lấy ngoại lực để tạo đột phá, đó là hoàn thiện thể chế trong bối cảnh hội nhập; ưu tiên thu hút FDI, đổi mới công nghệ, khoa học quản lý…
Quan điểm thứ 3 được Thủ tướng nêu lên là lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể trong quá trình phát triển; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của chính sách. Đồng thời có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân để xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như phòng chống dịch bệnh vừa rồi.
Quan điểm thứ tư là phát triển đột phá vùng Tây Nguyên nhưng phải bao trùm các đối tượng, ngành nghề và phải toàn diện từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Phát triển phải bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ lưu ý đến việc đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.
Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược
Về một số nhiệm vụ trong tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho Tây Nguyên và Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm trong thẩm quyền. “Thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục để tăng tính kết nối cho Tây Nguyên, mở ra không gian phát triển mới.
Trao biên bản hợp tác, biên bản ghi nhớ hợp tác cho các nhà đầu tư vào vùng Tây Nguyên |
Cùng với đó, lãnh đạo Chính Phủ lưu ý các tỉnh Tây Nguyên chú trọng phát triển các trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề. Đây là nền tảng để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Tây Nguyên. Những việc này địa phương cần chủ động “chứ không ai làm thay”.
Nhiệm vụ nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế rừng, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn bởi Tây Nguyên có nhiều lợi thế như chiếm tới 21% diện tích rừng của cả nước, tiêm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Muốn như vậy cần có tư duy đột phá chiến lược trong công tác quy hoạch, đầu tư có sự phân kỳ. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cần khai thác hiệu quả nguồn lưc trung ương và địa phương, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng các thương hiệu lớn để phát triển bền vững.
Nhà đầu tư đã cam kết thì phải làm, đã làm phải hiệu quả
Đối với vấn đề xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên, Thủ tướng cho biết, đây là việc làm thường xuyên, nhiều tỉnh cũng đã làm nhưng cần thống nhất quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm: “Các địa phương cần quy hoạch các ngành nghề bám sát tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, khi đó doanh nghiệp vào đầu tư sẽ bám sát quy hoạch này”, Thủ tướng định hướng và nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách cần mang tính ổn định, khả thi, sát với thực tiễn và đảm bảo an sinh xã hội.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục chung tay đồng hành cùng Chính phủ thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… “Các nhà đầu tư nói thì phải làm, cam kết thì phải làm, làm phải hiệu quả trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân bằng lợi ích giữa người dân, doanh nghiêp và nhà nước. Lợi ích không hài hòa thì không gọi là hợp tác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, người đứng đầu Chính Phủ yêu cầu các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung vào một số nhiệm vụ trước mắt như: Hoàn thiện quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, kiểm tra giám sát tiến độ 10 ngày một lần, dứt khoát không điều chuyển ngân sách sang năm 2023. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng thu tiết kiệm chi.
Đặc biệt các địa phương cần chọn lọc, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời chú trọng công tác tiêm phòng tăng cường vắc xin Covid-19 để đảm bảo sức khỏe Nhân dân: “Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát nhưng đảm bảo thúc đẩy tăng trường. Cần cân bằng giữa ưu tiên tăng trưởng và chống lạm phát…”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh các địa phương cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, tiếp tục phát huy bản lĩnh, đoàn kết để vượt qua các khó khăn, thách thức.
Tại sự kiện, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo diễn ra Lễ công bố Biên bản ghi nhớ và Biên bản hợp tác giữa Bộ KHĐT và đối tác phát triển quan tâm tài trợ cho các dự án phát triển vùng Tây Nguyên với tổng quy mô vốn 288 triệu USD.