Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 12/6, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” nhằm đánh giá những cơ hội và đề xuất các giải pháp giải quyết những thách thức mà thị trường tín chỉ carbon đặt ra. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Hoàng Mạnh Tưởng, gợi mở một số vấn đề liên quan.  
TS Hoàng Mạnh Tưởng - Học viện Chính trị khu vực II.
TS Hoàng Mạnh Tưởng - Học viện Chính trị khu vực II.

Kinh tế xanh đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Đây là một vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường tín chỉ carbon - đang được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm vì những lợi ích mà nó mang lại cũng như các vướng mắc về pháp lý… Những vấn đề này sẽ được bàn thảo, giải đáp trong Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vào ngày 12/6, tại Phòng Hội thảo - Khách sạn Mường Thanh, TP Hồ Chí Minh.

Những vấn đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon (cơ sở pháp lý để được công nhận tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam…); Những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; Doanh nghiệp (cả doanh nghiệp phát thải lẫn doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh tín chỉ carbon), người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon… sẽ được các chuyên gia đầu ngành, khách mời ở các Bộ ngành, doanh nghiệp… giải đáp, kiến nghị. BTC

Phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một xu hướng trong “hành trình xanh” mà còn là một cơ hội để các quốc gia tiến tới mục tiêu “Net Zero” và đối phó tích cực với biến đổi khí hậu, một vấn đề đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường carbon mang lại nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong cung cấp tín chỉ carbon

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của tín chỉ carbon thông qua việc thực hiện các Dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) theo Nghị định Thư Kyoto, khởi đầu từ năm 2008. Gần đây, nhiều dự án hợp tác với đối tác quốc tế đã được triển khai nhằm trao đổi tín chỉ phát thải, như Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Dự án khí sinh học trong chăn nuôi... Tuy nhiên, sự chú ý đối với các giao dịch này vẫn còn hạn chế.

Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050 và đang tiến hành xây dựng thị trường tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này. Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch này, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để tạo ra cơ chế và chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển thị trường tín chỉ carbon, cũng như quản lý các hoạt động liên quan đến phát thải khí CO2 và tương đương CO2 theo cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vào tháng 3/2023, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc cung cấp tín chỉ carbon. Trước đó, đến tháng 11/2022, nước ta đã có tổng cộng 276 dự án với khoảng gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án theo cơ chế CDM.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc cung cấp tín chỉ carbon.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc cung cấp tín chỉ carbon.

Còn theo thông tin từ Cục Biến đổi Khí hậu, việc mua bán tín chỉ carbon của Việt Nam với thế giới theo hình thức tự nguyện đã được thực hiện từ những năm 2000 bởi các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án CDM. Trong thời gian qua, có hơn 300 chương trình và dự án tại Việt Nam đã đăng ký thực hiện các giao dịch mua bán và bù trừ tín chỉ carbon, trong đó có hơn 150 dự án đã được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon và thực hiện giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu...

Khắc phục nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên là sự nhận thức về thị trường này của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội vẫn còn hạn chế. Khảo sát của đơn vị chức năng cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp chỉ biết qua về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và thị trường carbon mà không hiểu rõ về nguyên tắc hoạt động và chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp hiểu cách hoạt động của hệ thống này.

Đồng thời, cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon trong nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn thiếu sự đồng bộ và có phần lớn diện tích rừng và vùng sản xuất nông nghiệp chưa được phát triển tín chỉ carbon.

Việt Nam cũng thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, cùng với hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định và chứng nhận tín chỉ carbon. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về mô hình thị trường, cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy và xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải.

Để xây dựng và phát triển một thị trường tín chỉ carbon đồng bộ, Việt Nam cần sớm triển khai một số giải pháp. Thứ nhất, tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về thị trường tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp, tổ chức và cả xã hội có cơ hội tiếp cận thông tin và phương thức giao dịch, từ đó chủ động sẵn sàng tham gia vào thị trường.

Cạnh đó, chúng ta cần xây dựng bộ công cụ đánh giá carbon phù hợp với các cơ chế định giá carbon quốc tế; phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon; thiết lập định mức phát thải carbon cho từng đơn vị, loại hình sản phẩm trong các hoạt động kinh doanh và sản xuất.

Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Chúng ta cũng cần thiết lập và hoàn thiện mô hình thị trường tín chỉ carbon, tập trung vào việc phát triển sàn giao dịch, cơ chế vận hành và quản lý của nhà nước đối với các sàn giao dịch. Xây dựng hệ thống đăng ký tầm quốc gia để quản lý lượng tín chỉ carbon, kết nối với các hệ thống và tổ chức tham gia thị trường trên toàn cầu. Các chủ thể tham gia thị trường sẽ đăng ký tài khoản giao dịch và cung cấp thông tin về hàng hóa cần giao dịch.

Việc tăng cường công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường tín chỉ carbon cũng cần phải được chú trọng. Điều này bao gồm nghiên cứu và phân tích nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực tín chỉ carbon, xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp, bao gồm cả khóa học ngắn hạn và các chương trình đào tạo chính thức. Cần tập trung vào việc cung cấp kiến thức về giảm carbon, quản lý dự án tín chỉ carbon và các kỹ năng khác.

Cuối cùng, thực hiện kết hợp các giải pháp phát triển thị trường carbon một cách đồng bộ và có hệ thống, nhằm tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

****

Một số nội dung khác của vấn đề này được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh tiếp từ Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý”, diễn ra ngày mai - 12/6.

Tín chỉ carbon là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể được mua bán, cung cấp cho người nắm giữ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác vào bầu khí quyển.

Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính khác, các giao dịch liên quan được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, tạo nên thị trường carbon hoặc thị trường tín chỉ carbon.

Hiện nay, trên thế giới có hai loại thị trường giao dịch tín chỉ carbon chính là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Thị trường carbon bắt buộc là nơi mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường carbon tự nguyện là nơi dựa trên sự hợp tác thỏa thuận một cách song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang rất sôi động, Châu Âu và Mỹ là hai thị trường lớn nhất hiện nay. Ở Châu Âu, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên thị trường châu Âu và chiếm 3/4 thị trường trên toàn cầu. Ở châu Á, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong việc hình thành thị trường tín chỉ carbon…