Phát triển Thủ đô trong thời gian tới: Phải lấy kinh tế trí thức làm chủ đạo

(PLO) - Đó là ý kiến được nêu ra tại Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII (Nghị quyết 15) về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), do Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm qua (22/6).
Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính
Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội là một quyết sách đúng đắn, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của Thủ đô. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia…

Đánh giá cao tính đô thị sau sáp nhập, TS.Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định, tuy tính đô thị trong vùng lõi thực hiện rất khó, nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc với nhiều chương trình thiết thực, như tổ chức không gian đi bộ; chương trình trồng 1 triệu cây xanh; 98% đô thị Hà Nội chiếu sáng ban đêm; xây dựng hơn 230km đường trong 10 năm; tình trạng mất nước, mất điện, ngập lụt đã được cải thiện đáng kể… 

Ông Lợi cho rằng, trong cuộc cách mạng 4.0, phải khẳng định vị trí của Hà Nội trong ASEAN bằng cách ưu tiên chính sách xã hội hóa, quản lý nhà nước; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc để là cầu nối giữa chính quyền TP và doanh nghiệp. Về giao thông đô thị ở các TP cần được mở rộng và quan tâm hơn nữa đến quy hoạch giao thông theo hướng bàn cờ. Tuy nhiên, diện tích về mặt ngoại thành của Hà Nội thì nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn. Do đó, tính đô thị trong nông thôn có ý nghĩa quan trọng, bởi nông thôn mới hôm nay chính là nơi bắt đầu của đô thị hiện đại, bền vững cho ngày mai. 

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, trong Báo cáo, lĩnh vực nông thôn mới cần được phân tích sâu hơn và nêu bật kết quả đạt được trong lĩnh vực này.

“Trước khi thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính, người ta lo ngại nhất khi Hà Nội “ôm” 80% đất nông nghiệp, hơn 4 triệu dân nông thôn. Vì thế, thành tựu xây dựng nông thôn mới rất đặc biệt, có sự đột phá trong thành thị nông thôn, đưa ra các khái niệm mới như ngoại thành, nông nghiệp đô thị, diện mạo đô thị chuyển biến rõ nét, tích cực”, TS Nghiêm nói và kiến nghị cần phân tích kỹ hơn những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế, văn hóa, kết cấu hạ tầng, thay đổi diện mạo đô thị.

Trong khi đó, Phó GS,TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng kiến nghị, phải lấy kinh tế trí thức làm chủ đạo để phát triển Thủ đô hơn nữa trong thời gian tới, bởi với Thủ đô thì kinh tế trí thức là nguồn động lực rất lớn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cũng kiến nghị cần hoàn thiện đồng bộ về cơ chế chính sách cho Thủ đô, đồng thời Trung ương nên đẩy mạnh công tác cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định sẽ bổ sung vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù riêng không giống bất cứ Thủ đô nào trên thế giới, do vậy Hà Nội rất mong các chuyên gia có đánh giá, góp ý nhiều mặt để có báo cáo toàn diện, thể hiện được sự chủ động, tích cực của Hà Nội trong việc triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội. 

“Ngoài việc tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý, Hà Nội cũng đã điều tra xã hội học với nhiều tầng lớp nhân dân, từ nông thôn, thành thị đến đồng bào dân tộc để có đánh giá khách quan; quan trọng nhất là để đánh giá chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển Thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân. Việc đánh giá khách quan, khoa học có ý nghĩa không chỉ cho Hà Nội mà còn là kinh nghiệm để Trung ương có quyết sách với các địa phương khác…”, ông Phong nhấn mạnh.  

Trong 10 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng bình quân 7,41%/năm. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2017 gấp 2 lần năm 2008; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long và xứ Đoài được gìn giữ, phát huy.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quốc phòng được tăng cường, công tác đối ngoại được mở rộng. 

Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính với sự nghiệp xây dựng và phát triển tại Thủ đô.

Đọc thêm