Với chủ đề “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngoại giao, lãnh sự đoàn, các diễn giả, nhà nghiên cứu thu hút gần 800 đại biểu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã có khát vọng biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập tại thành phố, dù biết rõ việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân... cùng tham quan một số gian trưng bày tại Diễn đàn |
Trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của TP còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…
Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công Đề án, đây còn là cơ sở quan trọng để TP chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách TP còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
TP xác định phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới. Do đó, với vai trò là đầu tàu, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cùng với độ mở thương mại của TP đạt 138%, TP cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để trở thành địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế thuộc nhóm ASEAN4 như mục tiêu Chính phủ đã đề ra, tạo tiền đề để các tổ chức tài chính, định chế tài chính đầu tư mạnh mẽ vào TP khi triển khai Đề án.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết TP sẽ bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính, định chế tài chính hoạt động ổn định, lâu dài tại TP.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự Diễn đàn |
HEF 2019 sẽ kéo dài cả ngày, có 4 phiên thảo luận song song với các chủ đề: TP.HCM hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế về Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò Chính quyền Thành phố.
Đây là lần thứ 2 TP.HCM tổ chức Diễn đàn kinh tế và là lần đầu tiên Diễn đàn có chủ đề Phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.