Phạt xe không chính chủ thế nào cho phù hợp?

Thẩm định dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo), sáng qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Chủ tịch Hội đồng thẩm định - khẳng định, “phạt xe không chính chủ là đúng, nhưng vấn đề là xem xét đối tượng chịu phạt và thời điểm phạt cho phù hợp”.

Thẩm định dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo) sáng qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, khẳng định, “phạt xe không chính chủ là đúng, nhưng vấn đề là xem xét đối tượng chịu phạt và thời điểm phạt cho phù hợp”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vẫn chưa đồng thuận

Trong dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án: Phạt và không phạt xe không chính chủ. Qui định này gặp nhiều ý kiến khác nhau, trong đó không ít chuyên gia nhận định “đó là quyền dân sự của công dân nên không cần phạt”.

Nhất trí không xử phạt đối với xe không chính chủ, ông Đỗ Huy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự (Văn phòng Quốc hội), lý giải: “Ai đăng ký thì có tranh chấp ra tòa sẽ được pháp luật bảo vệ. Còn không đăng ký thì tự chịu rủi ro, bị mất quyền nên không cần phải phạt”.

Một thành viên khác của Hội đồng thẩm định, ông Lê Đại Hải  (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp) cũng bày tỏ những bức xúc về việc qui định xử phạt vi phạm chính chủ đối với phương tiện giao thông khi cho rằng “chỉ phạt những hành vi gây nguy hiểm và có nguy cơ gây nguy hiểm, còn việc không đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện thì chưa đến mức để phạt”.

Trước đây, đề xuất của Bộ Công an về vấn đề xử phạt xe không chính chủ cũng đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận. Nhưng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Chủ tịch Hội đồng thẩm định - khẳng định, “phạt xe không chính chủ là đúng, nhưng vấn đề là xem xét đối tượng chịu phạt và thời điểm phạt cho phù hợp”.

Theo Thứ trưởng, chỉ nên phạt xe không chính chủ trong 3 trường hợp: tai nạn giao thông, chở hàng lậu, bỏ xe để trốn sau khi có vi phạm, va chạm giao thông.

Và khi chủ phương tiện vi phạm, đại diện Văn phòng Chính phủ kiến nghị, chỉ “những hành vi nguy hiểm mới giữ xe” để tránh tình trạng nhà nước cứ chi trả chi phí trông giữ, bảo quản phương tiện vi phạm trong khi có những phương tiện (xe máy) lưu giữ tang vật 20-30 năm đến mức nhìn là xe chứ chẳng còn gì, chỉ đụng vào là nó rụng hết, khung cũng hỏng.

Bên cạnh đó, “tạm giữ để nhắc nhở người vi phạm nên tạm giữ ở bãi xe chính quyền hay ở nhà cũng được”. Ý kiến của Hiệp hội vận tải cho thấy, “giữ xe không bằng giữ bằng lái vì đa số là thuê xe để lái hoặc lái thuê”. Đại diện này phân tích, nếu giữ xe thì chỉ chủ xe chịu, còn giữ bằng lái thì mới “đánh” đúng vào người có hành vi vi phạm.

Qui định “mờ” là… tạo điều kiện cho tùy tiện

Dẫn ra quy định “đua xe nhiều lần thì tịch thu xe”, ông Trung thắc mắc: “Sao không qui định rõ đua 2 lần trở lên thì tịch thu xe” để việc thực thi dễ dàng. Nên ông kiến nghị, dự thảo phải có những “qui định rõ ràng hơn, đừng có nhiều quy định “mờ”.

Đại diện Văn phòng Chính phủ không đồng tình với phương án chia các mức phạt theo phương tiện như đề xuất của Bộ GTVT trong dự thảo Nghị định vì khiến Nghị định rắc rối, “chuyên gia pháp luật đọc còn rối huống gì người dân”. Bên cạnh đó, cách qui định chưa định tính, định lượng được hành vi sẽ tạo điều kiện cho “sự tùy tiện khi áp dụng”.

Để ngăn chặn những hành vi là “nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng”, nhiều chuyên gia đề nghị dự thảo Nghị định phải tăng cường xử nặng hành vi uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông, không cần thử độ cồn; phạt cao đối với trường hợp nghe điện thoại di động, thậm chí có thể áp dụng biện pháp bổ sung vì nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đều có nguyên nhân là do lái xe sử dụng điện thoại di động nên không quan sát…

Hương Giang

Đọc thêm