Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần II: Sẽ giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các “ nghị sỹ nhí”

(PLVN) -  Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần II năm 2024 với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em là những đội viên, thiếu niên tiêu biểu trong cả nước.

Mỗi học sinh cần đẩy lùi bạo lực học đường

Dự Phiên họp giả định có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm các Ban, Uỷ ban của Quốc hội… Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy… Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần II năm 2024 do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ II năm 2024

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ II năm 2024

Ngay sau phiên khai mạc, các “nghị sĩ nhí” tham gia phiên chất vấn về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội trẻ em dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em, mối quan tâm của các em là về tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

Các nguyên nhân bạo lực học đường được các em đặt ra và lý giải có vai trò của nhà trường ở một số nơi còn chưa quan tâm đầy đủ, trách nhiệm cho phòng, chống bạo lực học đường. Cùng đó là sự quan tâm còn chưa đúng mức của gia đình, sự phát triển của môi trường mang lại lợi ích nhưng cũng nhiều mặt trái mà học sinh chưa đủ kiến thức để ngăn ngừa…

Trong các giải pháp để ngăn ngừa, đẩy lùi bạo lực học đường, các em đề cập tới việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2023. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Chú trọng xây dựng văn hoá học đường, “Trường học hạnh phúc” và phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Đề cao trách nhiệm nêu gương của thầy cô giáo. Bố trí chuyên gia tư vấn tâm lý học sinh. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Ban hành Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong năm 2025; triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, lọc các thông tin, hình ảnh có tính chất bạo lực trên không gian mạng…

Các đại biểu dành một phút tưởng nhớ các đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi. Ảnh T.Ư Đoàn.

Các đại biểu dành một phút tưởng nhớ các đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi. Ảnh T.Ư Đoàn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc. Đổi mới theo hướng phát triển toàn diện người học, để người học không chỉ có kiến thức cần thiết mà còn có các năng lực, kỹ năng để trở thành một công dân tốt, trở thành một người hạnh phúc, biết chia sẻ. Khẳng định những vấn đề được chất vấn trong Phiên họp giả định không phải giả định mà là ý kiến thật, vấn đề thật, Bộ trưởng đánh giá cao sự bày tỏ thái độ, sự hiểu biết của các em từ góc độ những người trong cuộc và những người quan tâm thông tin về vấn đề bạo lực học đường. Trong đó, thống nhất khẳng định dứt khoát, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường, không có chỗ cho tệ nạn và nguy cơ với học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường như tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, việc thực hiện quy chế học đường chưa thực sự nghiêm túc ở một số nơi, trách nhiệm của người lớn bao gồm người đứng đầu trường học, giáo viên chủ nhiệm có nơi chưa làm hết trách nhiệm, vai trò của gia đình, tác động của mạng xã hội, phim ảnh… Bộ trưởng nhấn mạnh đặc biệt vai trò của chính các em học sinh. Để cho môi trường học đường được lành mạnh, con người được bảo vệ, phát triển cần kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với các em học sinh tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024. Ảnh MOET.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với các em học sinh tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024. Ảnh MOET.

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “ai là người quan trọng nhất trong phòng chống bạo lực học đường?”, một học sinh trả lời “quan trọng nhất là học sinh”. Đồng tình với câu trả lời này, Bộ trưởng chia sẻ: “Để loại bỏ bạo lực học đường, người phải làm nhiều việc nhất chính là học sinh. Nếu các em học tập tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ, những người như vậy ắt hẳn sẽ không thực hành bạo lực với người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết được việc của mình, giúp bạn giải quyết được vấn đề của các bạn thì bạo lực không có chỗ trong học đường. Nếu các em có kỹ năng biết chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến thì cũng không có chỗ cho ảnh hưởng xấu độc của mạng xã hội... Sự tu dưỡng của bản thân, tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những việc rất quan trọng các em cần làm để đẩy lùi bạo lực học đường”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ai làm tốt việc người đó, từ các thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô chủ nhiệm, tư vấn tâm lý làm hết trách nhiệm của mình; văn hoá học đường làm tốt; pháp luật được thực thi… chúng ta sẽ từng bước, từng bước đẩy lùi được bạo lực học đường, xây dựng môi trường hạnh phúc - là môi trường thực tế đang có của chúng ta….

Những vấn đề các em nêu hết sức thiết thực

Về nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường cũng đã được các đại biểu Quốc hội trẻ em chất vấn, với sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công thương trẻ em…

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An đề nghị ngành giáo dục phối hợp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học; đề nghị gia đình có sự quan tâm sát sao tới con em mình, nhất là quản lý tiền bạc và thời gian rảnh rỗi của trẻ em trong độ tuổi học sinh.

Bộ trưởng Y tế trẻ em cũng đề nghị các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong đó có việc kinh doanh các mặt hàng này ở cổng các trường phổ thông.

Cùng đó, đề nghị ngành công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về nhập lậu, buôn bán cho trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng cho trẻ em và cộng đồng xã hội…

Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn, Bộ trưởng bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em cũng như chất lượng dân số, giống nòi. Bà Lan cho rằng, qua phiên họp giả định, càng khẳng định các đề xuất của Bộ y tế trong việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đi đúng hướng khi có tới 78,27% các em tham gia khảo sát thống nhất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

306 đại biểu trẻ em tiêu biểu đại diện cho tiếng nói của hàng triệu trẻ em trên cả nước đề nghị những vấn đề thiết thực của người trong cuộc. Ảnh T.Ư Đoàn.

306 đại biểu trẻ em tiêu biểu đại diện cho tiếng nói của hàng triệu trẻ em trên cả nước đề nghị những vấn đề thiết thực của người trong cuộc. Ảnh T.Ư Đoàn.

Sau khi đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội trẻ em, và cả 306 đại biểu đều thống nhất với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Y tế nói: Điều này thể hiện mong muốn của của trẻ em và cần được các cơ quan nhà nước nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Bộ trưởng Y tế cũng bày tỏ đánh giá cao các nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức của Quốc hội trẻ em với vấn đề này khi các em không chỉ tìm hiểu tác hại mà còn đề xuất các giải pháp, mong muốn các bộ, ngành triển khai các giải pháp đó. Bà nói sẽ tiếp thu các góp ý để hoàn thiện, tham mưu cơ chế chính sách quản lý trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần II, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em, được Liên Hợp Quốc ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng về sự thể hiện của các đại biểu trẻ em, dù nhỏ tuổi nhưng đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp xác đáng. Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Những vấn đề các em nêu về thực trạng, giải pháp hết sức thiết thực, nhất là những việc cụ thể giao cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phải làm những gì trong thời gian tới.

Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trẻ em đã nêu tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn, các bậc phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình. Giáo dục trẻ em cho tốt là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội; sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, MTTQ cùng các đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội…

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” thực hiện Luật Trẻ em năm 2016

Trước đó, sáng 28/9, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024 đã khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội. Chiều 28/9, đã diễn ra phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định, 306 đại biểu trẻ em đã chia thành 12 tổ để thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”. Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Theo đó, phiên chất vấn đã có 268 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 138 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, 130 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Đã có 15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 11 đại biểu chất vấn và 04 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trẻ em giả định, Bộ trưởng Y tế trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công Thương trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em giả định. Sau phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu, trao đổi với đại biểu Quốc hội trẻ em về 2 chủ đề của phiên họp.

Đọc thêm