Phiên xử 'vụ cây dừa' kết thúc có hậu

(PLVN) - Chạm mặt nhau ở tòa, nhưng các chị em trong một gia đình người đến trước, người vào sau; mỗi người một góc không ai thèm để ý tới ai… Tất cả chỉ vì cây dừa.

Chị em ruột kéo nhau ra tòa chỉ vì mấy cây dừa

Người mẹ ngoài 80, lụm cụm lê từng bước chân chậm chạp đến phiên tòa để chứng kiến con trai út của mình là ông Bùi Sáu (53 tuổi) kiện con gái của bà là bà Bùi Thị Bé (57 tuổi). Trong ngày xử đầu tiên, phiên tòa diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ, hai bên đã có lời qua tiếng lại khiến không khí trở nên căng thẳng đến nỗi HĐXX phải tạm hoãn phiên tòa.

Điều đau lòng là sự việc khiến cả gia đình “lôi kéo” nhau ra tòa chẳng có gì lớn lao, chỉ vì mâu thuẫn liên quan mấy cây dừa.

Khối tài sản liên quan đến vụ kiện là mảnh đất của cha mẹ các đương sự (ông Sáu và bà Bé). Ba mươi năm trước, do người cha đột ngột qua đời nên người mẹ đã làm giấy tờ cho người con trai cả đứng tên, mẹ và 6 anh chị em đồng sở hữu. Ông Sáu tiếp tục canh tác mảnh vườn và trồng khoảng 200 cây dừa.

Cuối năm 2016, được sự đồng thuận của mẹ, bà Bé đã gọi người đến đốn hạ mấy chục cây dừa của ông Sáu trồng trước đó. Cho rằng người chị đốn dừa khi chưa có sự cho phép của mình, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân nên ông Sáu đâm đơn khởi kiện.

  Ảnh minh họa.

Qua nhiều lần hòa giải không thành, đến tháng 6/2019, TAND quận Ninh Kiều xử sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Sáu. Từ đó, mâu thuẫn hai bên diễn ra gay gắt hơn và dẫn đến xô xát. Ông Sáu tiếp tục kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, buộc bà Bé bồi thường 28 cây dừa với giá 5 triệu đồng/cây, tương đương 140 triệu đồng.

Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng, dừa đã được người cha trồng từ năm 1970 và việc bà gọi người đến đốn là do các cây dừa này nằm giáp ranh, ảnh hưởng các hộ liền kề nên phải đốn thì họ mới đồng ý ký giáp ranh để làm giấy tờ đất. Hơn nữa, còn có một số cây gần mồ mả ông bà, nhà thờ cúng tổ tiên do sợ rễ dừa ăn sâu vào đất hay bị đổ ảnh hưởng mồ mả ông bà nên đốn bỏ.

Thẩm phán và Kiểm sát viên “lên tiếng” phải, trái

Tại tòa, bị đơn nhiều lần nhấn mạnh việc đốn dừa không phải do thù ghét hay lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung của mọi người. “Tôi chỉ đốn những cây ba tôi trồng, không đụng chạm đến tài sản riêng tư của ông Sáu. Tôi đốn vì yêu cầu của lối xóm, mấy cây dừa ăn vào mồ mả ông bà chứ không phải có mâu thuẫn gì với em tôi”, bà Bé nói trong nước mắt.

Trong phần tranh luận, đại diện ủy quyền của nguyên đơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo, buộc bị đơn bồi thường 20 cây dừa với giá 300.000 đồng/cây, tương ứng 6 triệu đồng… Sau khi nghe trình bày của các đương sự, HĐXX phân tích, “động viên” về tình và lý cũng như đưa ra hướng giải quyết là mỗi bên nên chịu trách nhiệm một nửa.

“Chị bồi thường ở đây không phải là chị thua, ông Sáu thắng mà là để giữ hòa khí hai bên. Gia đình nào cũng có phát sinh mâu thuẫn, quan trọng là ở mức độ nào thôi. Sự việc này cũng gây hiềm khích mấy năm qua, đừng tranh chấp nhau nữa, dừng lại ở đây được rồi”, một vị thẩm phán nhẹ lời.

Trước lời khuyên giải của HĐXX, bà Bé cho rằng, người em của mình đã có lối cư xử chưa đúng mực, bà tỏ thái độ bức xúc: “Đó là tài sản chung, tôi không xâm phạm quyền tài sản riêng tư của ông Sáu. Tôi không đồng ý bồi thường, một trăm ngàn tôi cũng không đồng ý”.

Nghe vậy, HĐXX tiếp tục giải thích: “Tài sản chung là đất đai thôi, cây trồng trên đất thì chưa xác định. Ông Sáu có công chăm sóc, quản lý, mở rộng nên nếu chị nói là tài sản chung thì khi đốn phải bàn bạc nhau. Từ đây, đến khi phân chia tài sản thì đừng đốn dừa của ông Sáu nữa, hai bên sống hòa thuận”.

Thêm vào đó, Vị đại diện Viện Kiểm sát – giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng phân tích thiệt, hơn cho các đương sự: “Trong vườn dừa chưa xác định được ông Â. (cha của đương sự - PV) trồng bao nhiêu cây, ông Sáu trồng bao nhiêu cây và nó là những cây nào trong 28 cây đó. Thật ra, hai bên tranh chấp nhau chủ yếu là vì danh dự. Mục đích cho bà con lối xóm biết mình thắng, mình đúng nhưng như vậy để làm gì?. Hai bên nên suy nghĩ lại để giải quyết cho ổn thỏa”.

Sau khi nghe phân giải, động viên, nguyên đơn và bị đơn bắt đầu bình tâm lại. Người chị hứa không đốn dừa nữa, đồng ý chịu 50% chi phí thẩm định, người em cũng đồng ý rút đơn kháng cáo, đơn khởi kiện. Vụ kiện kết thúc với bản án tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án một cách đầy nhân văn!

Đọc thêm