Philippines bác đề nghị tham vấn từ Trung Quốc về vấn đề biển Đông

(PLO) - Philippines đã không chấp nhận đề nghị bắt đầu các cuộc “tham vấn hữu nghị” về vấn đề biển Đông do Trung Quốc đưa ra và tuyên bố sẽ chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng tài quốc tế.
Ngoại trưởng các nước G7 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo tờ Inquirer của Philippines, trong các diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cuối tuần qua nói rằng các cuộc đối đầu giữa các ngư dân Trung Quốc và ngư dân của các nước như Philippines, Malaysia có thể tránh được thông qua “các cuộc tham vấn thân thiện”.

“Hợp tác nghề cá là một phần quan trọng của sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có các nước ở ven biển Đông” – ông Lục tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng chính phủ Trung Quốc “rất coi trọng việc quản lý nghề cá và đã chỉ đạo ngư dân Trung Quốc tiến hành các hoạt động đánh bắt cá phù hợp với luật pháp và các quy định liên quan”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Philippines kể từ năm 2012 đến nay tố cáo hàng loạt các vụ việc các tàu của Trung Quốc có các hành vi gây hấn, hung hăng, đặc biệt là ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên, Philippines đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc, tuyên bố nước này sẽ chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague về các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Vụ kiện do Philippines đệ trình đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có 2 vấn đề liên quan đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước này trên biển Đông.

Các vấn đề này bao gồm: Trung Quốc đã không ngăn chặn các ngư dân và tàu thuyền của nước này khai thác trái phép các nguồn tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và việc Trung Quốc đã ngăn cản một cách bất hợp pháp việc các ngư dân Philippines theo đuổi sinh kế của họ khi cản trở các hoạt động đánh bắt cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough. Theo Reuters, phán quyết của tòa án trong vụ Philippines kiện Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 6 tới.

Trong một diễn biến có liên quan, trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày 11/4, Ngoại trưởng các nước G-7 khẳng định họ phản đối “bất cứ hành vi uy hiếp đe dọa hay những hành động gây hấn đơn phương nào có thể thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng” ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo Reuters, trong một tuyên bố được cho là đề cập đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, nhóm này cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào do các tòa án và Tòa trọng tài đưa ra.

Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Trung Quốc lại ngang ngược nói rằng các tranh chấp ở khu vực đang “bị thổi phồng”. “Nếu G-7 muốn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thế giới, nhóm này cần phải có thái độ tìm kiếm sự thực từ các sự kiện để giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế hiện quan tâm nhất. G-7 vì lợi ích ích kỷ của một số nước sẽ không có lợi cho ảnh hưởng, vai trò và sự phát triển trong tương lai của khối” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng “lên lớp” G-7 tại một cuộc họp báo diễn ra ngày 11/4.