Phim hè 2023: Nhiều “bom tấn” phim nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Điện ảnh Việt gần như “vắng bóng” trong ba tháng hè, trong khi đây là một trong những thời điểm vàng của rạp chiếu khi phần lớn học sinh, sinh viên nghỉ hè, các gia đình dành thời gian thư giãn, giải trí.
Phim nước ngoài “làm chủ” các phòng vé Việt Nam dịp hè.
Phim nước ngoài “làm chủ” các phòng vé Việt Nam dịp hè.

Phim Việt “né” cao điểm hè

Mùa hè cũng là thời điểm nhiều bộ phim “bom tấn” nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường phòng vé Việt Nam với mức kinh phí đầu tư lớn, dàn diễn viên nổi tiếng, kỹ xảo hoành tráng. Sau khi hai bộ phim Việt là “Nhà bà Nữ” và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” ra mắt, không có tác phẩm Việt nào được công bố phát hành từ tháng 6 đến tháng 9.

Thay vào đó, từ đầu mùa hè đến tháng 9, chiếm lĩnh phòng vé chủ yếu là các bộ phim nước ngoài như Fast X (phần 10 loạt phim đua xe Fast & Furious), Transformers: Quái thú trỗi dậy, Flash, Indiana Jones & Vòng quay định mệnh, Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo - phần 1, Barbie, Nàng tiên cá, Vệ binh dải ngân hà 3, Oppenheimer… Bên cạnh đó là các phim hoạt hình hấp dẫn dành cho các khán giả nhí như Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời, Người Nhện: Du hành vũ trụ nhện, Xứ sở các nguyên tố, Ruby Gillman: Kraken tuổi teen, Ninja Rùa: Hỗn loạn tuổi dậy thì,...

Có thể thấy, đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các bộ phim “bom tấn” nước ngoài trong mùa phim hè, phim điện ảnh Việt sẽ có khả năng “lép vế” nếu ra rạp thời điểm này. Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách về mức độ đầu tư, độ nổi tiếng của thương hiệu, chất lượng sản xuất, dàn diễn viên “khủng”, số lượng người hâm mộ… giữa phim điện ảnh Việt với những phim nước ngoài ra rạp đợt này đều rất “đáng kể”. Do đó, các nhà làm phim Việt được cho là “né” mùa cao điểm hè, tìm thời điểm thích hợp hơn nếu muốn đưa “đứa con tinh thần” của mình ra rạp.

Trên thực tế, theo thống kê từ Box Office Vietnam (đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập), trong số những phim đạt doanh thu cao nhất Việt Nam, chỉ có phim “Em và Trịnh” phát hành vào hè (tháng 6/2022), còn lại thường là các bộ phim chiếu dịp lễ, Tết, như Tết Nguyên đán, lễ 30/4 - 1/5, 2/9, Giáng sinh,…

Một số dự án phim Việt Nam phát hành gần nhất là “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng công bố khởi chiếu ngày 20/10, phim “Móng vuốt” (đạo diễn Lê Thanh Sơn), “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) đều dự kiến chiếu cuối năm.

Bỏ ngỏ thị trường phim Việt dành cho trẻ em?

Phim hè thường được biết đến là mùa của phim gia đình và trẻ em bởi đây là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ hè, nhu cầu giải trí của cả gia đình tăng mạnh hơn. Bên cạnh các chuyến du lịch phải có kế hoạch chuẩn bị cả về thời gian và tài chính, nhiều phụ huynh lựa chọn đưa trẻ đến các rạp chiếu phim để thư giãn, tìm kiếm niềm vui trong dịp hè. Đây cũng thường là thời điểm “bội thu” với các bộ phim nước ngoài, đặc biệt là phim hoạt hình.

Tuy nhiên, hiện tượng phim ngoại “lấn át” phim Việt vào mùa hè trong nhiều năm qua cho thấy nhiều vấn đề đáng trăn trở. Điện ảnh Việt đã và đang có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi liên tục có nhiều bộ phim lập kỷ lục phòng vé với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ. Đáng chú ý, trong Liên hoan phim quốc tế Cannes 2023 vừa qua, hai nhà làm phim gốc Việt: Trần Anh Hùng (61 tuổi) và Phạm Thiên Ân (34 tuổi) được vinh danh, đem đến một động lực không nhỏ đối với nền điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất Việt được cho là chủ động bỏ qua dịp cao điểm hè là dấu hiệu cho thấy những bộ phim được coi là “bom tấn” Việt vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh so với những “bom tấn” của nước ngoài. Nhiều khán giả chia sẻ, lý do họ ưa chọn phim ngoại hơn phim Việt không chỉ vì kỹ xảo, diễn viên, mà còn bởi chủ đề mang tính thời sự, cách khai thác nội dung mới lạ, không rơi vào lối mòn, diễn xuất ấn tượng, thông điệp không sáo rỗng,… Trong khi đó, nhiều phim điện ảnh Việt có lượng khán giả đông đảo vẫn chỉ thiên về yếu tố giải trí.

Mặt khác, trong nhiều năm qua, phim điện ảnh dành cho trẻ em vẫn chủ yếu là sân chơi của phim ngoại, điện ảnh Việt vẫn “loay hoay” để cho ra một bộ phim rạp đủ hấp dẫn với trẻ em, có sức cạnh tranh với phim nước ngoài. Trong khi từ nhiều năm trước, nhiều ý kiến chuyên gia đã đánh giá ngành phim hoạt hình trong nước đã sở hữu nguồn nhân lực mạnh với nhiều người trẻ tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ kỹ thuật đạt đẳng cấp quốc tế thông qua quá trình hợp tác với nước ngoài. Tên tuổi của người Việt Nam đã xuất hiện trong đội ngũ sản xuất của nhiều dự án hoạt hình tầm cỡ từ anime Nhật Bản đến Hollywood. Tuy nhiên, giấc mơ ra rạp của phim hoạt hình “chuẩn Việt” và “made in Vietnam” vẫn chưa thành hiện thực.