Phim 'Lật mặt 7' của Lý Hải vượt mốc 300 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thu về 300 tỷ đồng, “Lật mặt 7: Một điều ước” vượt qua “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, trở thành phim Việt Nam đạt doanh thu cao thứ tư trong lịch sử, sau “Mai”, “Nhà bà Nữ” và “Bố già”.

Tính đến chiều 8/5, “đứa con tinh thần” mới của Lý Hải đã vượt mốc 311 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị thống kê phòng vé độc lập. Với thành tích này, “Lật mặt 7: Một điều ước” trở thành phần phim ăn khách nhất lịch sử, vượt qua “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (2023, doanh thu 273,1 tỷ đồng).

Trước đó, vào dịp lễ 30/4-1/5, tác phẩm thiết lập nhiều kỷ lục như bộ phim có số lượng vé bán ra vào dịp lễ cao nhất của điện ảnh Việt. Sau 10 ngày, số lượng vé bán ra ghi nhận con số 3.149.879 vé. Với thành tích này, “Lật mặt 7” áp đảo toàn bộ đối thủ còn lại ngoài rạp.

Đơn cử, “Vây hãm: Kẻ trừng phạt” - bom tấn Hàn Quốc có ngôi sao Ma Dong Seok ra mắt cùng thời điểm dù đứng thứ 2 trên phòng vé Việt nhưng doanh thu chỉ bằng 1/10, với con số 31,1 tỷ đồng.

“Lật mặt 7” của Lý Hải chính thức cán mốc 300 tỷ đồng. Ảnh: NSX

“Lật mặt 7” của Lý Hải chính thức cán mốc 300 tỷ đồng. Ảnh: NSX

“Lật mặt 7: Một điều ước” theo chân bà Hai (Thanh Hiền) - người mẹ đơn thân một mình nuôi lớn 5 người con. Khi con cái trưởng thành, họ lần lượt rời quê hương đi tứ xứ mưu sinh, để lại mẹ già một mình trong căn nhà đơn sơ.

Một lần, bà Hai không may gặp nạn, chân bó bột, không thể tự làm việc gì, phải nương nhờ các con. Do mọi người đều cũng bận rộn với công việc nên câu hỏi ai là người chăm sóc mẹ khiến các anh chị em trong nhà nảy ra tranh cãi.

Ở phần này, việc dán nhãn K (khán giả dưới 13 tuổi được xem phim khi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ) giúp phim mở rộng đối tượng người xem.

Ngoài ra, cách Lý Hải đề cập nhiều đối tượng trong xã hội, khiến người xem nhận về nhiều sự đồng cảm. Trước đó, trong cuộc trò chuyện cùng Báo Pháp luật Việt Nam, “cha đẻ” của series phim “Lật mặt” thừa nhận mất nhiều thời gian để tạo ra câu chuyện “không có người xấu”.

“Đối với Lý Hải, viết kịch bản hành động, có đủ người xấu người tốt, lật tới lật lui sẽ dễ hơn rất nhiều. Nhưng khi viết kịch bản tốt không dễ, vì phải làm sao để khán giả vẫn tập trung theo dõi, dán mắt vào màn hình… dù không có cao trào, không có gay cấn. Tôi đắn đo rất nhiều, sửa đi sửa lại từng chi tiết nhỏ khi kể câu chuyện của 5 gia đình ở 5 vùng miền khác nhau.

Tôi và ê-kíp đi khảo sát rất nhiều để tìm bối cảnh đúng ý mình, đồng thời sửa kịch bản để làm sao đúng với thực tế nhất. Sau đó, cả ê-kíp mới ngồi lại để bàn luận, chỉnh sửa. Tôi xem đây là khâu cực kỳ quan trọng bởi bộ phim có tốt hay không nằm ở khâu kịch bản. Nếu kịch bản không tốt dù có đầu tư 50-70 tỷ thì phim vẫn gãy như thường”.

Tác phẩm với câu chuyện “không có người xấu” nhận được nhiều sự đồng cảm từ người xem. Ảnh: NSX

Tác phẩm với câu chuyện “không có người xấu” nhận được nhiều sự đồng cảm từ người xem. Ảnh: NSX

Trước những tình tiết chưa hợp lý của phim, Lý Hải nói: “Khi mọi người xem phim sẽ thấy được những cài cắm của tôi dù rất nhỏ. Thậm chí, các nhà làm phim trẻ hoặc khán giả cho rằng để vào hoặc không cũng được hay xem nó là chi tiết thừa nhưng tôi đã tính toán rất kỹ rồi.

Vì làm phim cho mọi lứa tuổi, bạn nhỏ 5-6 tuổi có thể xem để có góc nhìn khác về người lớn, về xã hội… đó là điều tôi muốn truyền tải. Đơn cử như mọi câu nói của bà Hai, dù bà là người lớn nhưng mỗi khi nói bà đều có “dạ”, “thưa” và “cảm ơn”.

Đó là đặc trưng, chỉ là chi tiết rất nhỏ nhưng chúng ta xem và để ý sẽ thấy như: người vùng biển ăn cá sẽ không có lật lên mà gỡ xương ra, hay tôi tự làm khó khi chọn hoa bất tử phải trồng rất mất thời gian, rất cực mà không chọn hoa khác… Điều này người lớn ai cũng biết hoặc không quan tâm nhưng tôi muốn làm cho các em nhỏ xem để biết thêm về những nét văn hóa, phong tục như thế.

Lý Hải nghĩ sau phim này, nhiều bạn khán giả trẻ có thể biết đến ít hoặc không biết hoa bất tử là hoa gì sẽ có thêm hình dung về nó để loài hoa này không bị mai một” - anh nói.