Theo Ban tổ chức, phiên tòa giả định không chỉ là một hoạt động học thuật mà còn là một sân chơi bổ ích, giúp các em sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho các em sinh viên, học sinh. Từ đó, giúp các em sinh viên, học sinh nâng cao nhận thức và hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng, bảo vệ và chấp hành các quy định pháp luật.
|
Quang cảnh phiên tòa giả định. |
Tại phiên tòa giả định hôm nay, các em sinh viên Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ đã tái hiện lại một vụ án cố ý gây thương tích, giữa các em sinh viên tại một Trường Đại học, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án giả định là từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Theo đó, nội dung phiên tòa giả định xoay quanh những vấn đề thực tiễn như: Trình tự, thủ tục, diễn biến của một phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự; các quy định pháp luật về tội danh “Cố ý gây thương tích”; quyền và nghĩa vụ của những cá nhân tham gia phiên toà; kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện…
Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, các đại biểu tham dự đã đánh giá, nhận xét và đặt nhiều câu hỏi để giao lưu với các em sinh viên nhằm bổ sung, bổ trợ cho tất cả các nội dung phiên tòa giả định đã nêu ra mà các em sinh viên chưa kịp cập nhật.
Chia sẻ với phóng viên, đa phần các em sinh viên cho rằng, bên cạnh những kiến thức pháp luật, kỹ năng thực tế thì thông qua phiên tòa giả định hôm nay, các em sinh viên được tiếp thu nhiều thông điệp liên quan đến văn hoá ứng xử học đường cũng như hậu quả, hệ lụy của hành vi bạo lực học đường.
|
Phiên tòa giả định không chỉ là một hoạt động học thuật mà, sân chơi bổ ích cho các em bạn sinh viên, mà đây còn là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả. |
PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ cho biết: "Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu trong việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm học hỏi, thực hiện và bảo vệ luật pháp. Tinh thần này càng quan trọng hơn đối với các sinh viên luật, những người sẽ sớm trở thành những luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, và những nhà làm luật trong tương lai.".
Theo PGS.TS Phan Trung Hiền, phiên tòa giả định hôm nay là một hoạt động ý nghĩa, vì không chỉ là buổi tuyên truyền, phổ giáo dục pháp luật mà còn là dịp giúp các em sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tế, cũng như để các em hiểu rõ hơn về các quy trình tố tụng, các nguyên tắc pháp lý và những giá trị cốt lõi mà ngành luật hướng tới.
Đánh giá về tình huống của phiên tòa giả định, PGS.TS Phan Trung Hiền cho rằng, đây là một vấn đề rất thực tế và gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay. Thông qua phiên tòa này, sẽ giúp các em sinh viên rút ra những bài học quý giá về cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội, văn hoá ứng xử học, đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật.
|
Tại phiên tòa giả định, các em sinh viên Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ đã tái hiện lại một vụ án cố ý gây thương tích, giữa các em sinh viên tại một Trường Đại học. Nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án giả định là từ mâu thuẫn trên mạng xã hội. |
Trước đó, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết với Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ (thuộc Sở lao động thương binh và xã hội TP Cần Thơ) về xây dựng Dự án Phiên tòa giả định, nhằm tuyên truyền kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật đến các em học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo đó, đến đầu tháng 8/2024, Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai tổ chức Phiên tòa giả định tại các trường THPT Trần Ngọc Hoằng, THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Hà Huy Giáp với nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp đó, trường Đại học Cần Thơ sẽ tổ chức phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực học đường tại hai cơ sở của nhà trường.