Theo báo cáo tóm tắt công tác tổ chức sau hợp nhất, công tác tài chính và một số kết quả công tác chủ yếu, Cục đã khẩn trương tập trung nguồn lực để tham mưu xây dựng: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017; phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ rà soát, chỉnh lý dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL”. Bên cạnh đó, Cục cũng kịp thời nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ công tác, nhiệm vụ trọng tâm trong các Chương trình, Đề án.
Trong lĩnh vực PBGDPL, Cục đã tham mưu tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg; xây dựng Kế hoạch triển khai ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới công tác PBGDPL và xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, Nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ đơn vị tham mưu Bộ Tư pháp – cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương…
![]() |
Trong công tác TGPL, Cục đã khẩn trương tham mưu thực hiện việc đánh giá, tổng kết các văn bản có liên quan để phục vụ công tác xây dựng pháp luật; tập trung triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành chủ quản hoàn thiện các nhiệm vụ về TGPL trong 05 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030. Đồng thời triển khai thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Trong công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Cục đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024; tổng hợp góp ý của địa phương đối với Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên.
![]() |
Cục trưởng Cục PBGDPL và TGPL Lê Vệ Quốc chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và TGPL và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ. |
Tại buổi làm việc, đại diện các phòng, ban của Cục cũng như các các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đã nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và TGPL; đề xuất giải pháp tháo gỡ. Như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong công tác PBGDPL để đổi mới cách làm cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sự phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương để bám sát tình hình, thực tiễn công tác và hoạt động TGPL, kịp thời dự báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là những vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy…
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh việc thuận lợi lớn nhất của việc tổ chức, sắp xếp bộ máy của Cục là hai đơn vị thống nhất được nguồn nhân lực chất lượng cao, đều là những người có kinh nghiệm trong nghiên cứu pháp luật, tham mưu chính sách. Hơn nữa, nhiệm vụ của các đơn vị cũng có sự tương đồng và bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt trong ba nhóm lĩnh vực chính: tuyên truyền, PBGDPL; hòa giải và TGPL. Tất cả đều hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu để đạt kết quả cao hơn. Sau hợp nhất, lãnh đạo đơn vị phải làm gương, thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia góp ý, xây dựng định hướng phát triển; tiếp tục hoàn thiện việc kiện toàn tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả, đồng bộ. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu mới, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ những hạn chế, bất cập, xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Về công tác hòa giải, cần đánh giá rõ những yếu kém, bất cập ở cấp Trung ương và địa phương. Hòa giải không chỉ dựa vào pháp luật mà còn phụ thuộc vào con người - những người trực tiếp thực hiện hòa giải phải có đủ năng lực, hiểu biết. Đối với TGPL, cần quan tâm cả hai nhóm đối tượng: người nghèo, yếu thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không có đủ nguồn lực để tiếp cận dịch vụ pháp lý bài bản, trong khi đây là đối tượng cần được hỗ trợ để phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị Cục xây dựng kế hoạch số hóa từ nay đến năm 2026, xây dựng các phần mềm, cơ sử dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền PBGDPL, hòa giải và TGPL, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện kế hoạch năm, đề ra những nhiệm vụ phải làm trong năm trên tinh thần 5 rõ như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo…