Phó chủ tịch Hội Phụ nữ bị đánh ghen không còn mảnh vải che thân

(PLO) -Phát hiện chồng mình là phó chủ tịch UBND thị trấn ngoại tình với đồng nghiệp là Phó chủ tịch Hội phụ nữ, bị cáo rủ chị gái, chị chồng, người cô bên chồng cùng đi đánh ghen. Kết quả của trận đánh ghen ầm ĩ ấy, chồng không giữ được, bị cáo lại bị truy tố về hành vi làm nhục người khác. 
Bốn bị cáo chỉ bị phạt tiền tổng số 80 triệu đồng
Bốn bị cáo chỉ bị phạt tiền tổng số 80 triệu đồng

Phiên tòa xét xử vụ án “làm nhục người khác” được mở lần thứ hai tại TAND TP Huế. Bị cáo là Trần Thị Diễm (36 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và 4 đồng phạm khác là chị ruột, chị chồng và người bà con bên nhà chồng. Lần đầu bị hại không có mặt nên phiên tòa phải hoãn.

Lần thứ hai, bị hại cũng không đến. Trong khi người thân, xóm giềng của bị cáo tỏ ra ấm ức, tức tối cho rằng bị hại “trốn tránh”: “Giật chồng người ta. Giờ không dám đến đây để đối chất mà được sao?”, thì bị cáo Diễm lại lặng lẽ ngồi một góc.

Mất trắng

Cả 5 bị cáo đều được tại ngoại, đến tòa từ rất sớm. Khác với những bị cáo khác, Diễm có vẻ ưu tư, đáy mắt chất chứa nỗi buồn. Chị này đến tòa với bộ dạng ảm đạm, mặt mày xanh xao. Vợ chồng Diễm kết hôn đã 7 năm nhưng chưa có con. Cuộc sống hôn nhân trước nay vẫn êm đẹp. Cho đến năm ngoái, người địa phương xì xào ngày một nhiều về việc chồng chị có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác.  

Chồng Diễm đang là phó chủ tịch UBND thị trấn. Còn người phụ nữ nghi ngờ, là phó chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn. Thấy tổ ấm có nguy cơ tan nát, Diễm nhiều lần bóng gió, nói xa nói gần. Người thân hai bên gia đình cũng vào cuộc, nói đến cạn lời nhưng chồng Diễm bị cho là vẫn lún sâu vào mối tình kia, không chịu dứt ra. Còn người phụ nữ kia, cứ chối bay chối biến, khi người thân Diễm tìm gặp.

Đỉnh điểm của vụ việc, là chiều 14/6/2016, Diễm theo dõi và phát hiện chồng mình và người phụ nữ kia dắt nhau vào nhà nghỉ. Để bắt quả tang, Diễm báo chị ruột, chị gái của chồng và hai người bà con ở gần nhà cùng đến nhà nghỉ “bắt gian”.

Khi đến nhà nghỉ, thấy có bảo vệ nên cả nhóm đứng bên ngoài theo dõi. Mãi đến tận 9h tối hôm đó, chồng Diễm mới chở người phụ nữ kia từ trong nhà nghỉ đi ra. Diễm lấy cây sào gần đó chặn xe, rồi kéo người phụ nữ kia xuống xe. Diễm dùng kéo cắt giấy cắt tóc, quần áo và cởi hết quần áo tình địch. Những người khác vừa đè vừa dùng tay tát và cào cấu vào mặt, lưng, ngực người phụ nữ “giật chồng”. 

Thấy người tình bị đánh, chồng Diễm xông vào đánh vợ, nhưng được những người khác can ngăn, giữ lại. Còn nạn nhân sau khi vùng thoát, trên người không mảnh vải che thân, bỏ chạy vào nhà nghỉ lẩn trốn. Diễm gom lấy tóc, quần áo, túi xách của bị hại rơi tại hiện trường, giao nộp cho công an. 

Bị hại yêu cầu khởi tố các bị cáo tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên cơ quan điều tra chỉ khởi tố tội làm nhục người người khác, còn hai hành vi kia chưa có dấu hiệu hình sự nên không xử lý.

Đi đánh ghen để giữ hôn nhân, nhưng Diễm mất trắng. Vợ chồng ly hôn. Diễm còn đối mặt với vành móng ngựa. Người thiệt hại nhiều nhất cuối cùng lại là Diễm. Sau khi vụ việc ầm ĩ, chồng Diễm không đến cơ quan một thời gian dài. Vị phó chủ tịch thị trấn sau đó bị cơ quan cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Nạn nhân sau đó cũng làm đơn xin nghỉ việc.  

“Tởn đến già”

Những ngày đợi ra tòa, người phụ nữ cầm đầu vụ đánh ghen mới sợ hãi, luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Có thời gian Diễm bị trầm cảm nặng, còn có ý định tự vẫn. Diễm bảo, lúc đầu cũng chỉ muốn giữ gìn hạnh phúc, không ngờ lại ra nông nỗi này.

“Đi đánh ghen một lần mà tởn đến già”, Diễm nói. Một người bạn nhìn Diễm ngồi thu lu, thở dài: “Giờ nó chán nản lắm rồi. Nếu bị ai đó kích động vài câu, chắc nó đi nhảy cầu ngay”. Chỉ mới một thời gian ngắn, mà Diễm sụt gần chục ký. 

Người cô bên chồng của Diễm, cũng là bị cáo trong vụ án, bảo muốn gia đình cháu mình hạnh phúc, nên nhiều lần gặp chị kia ngoài đường, bà đã “xỉ vả” vào mặt người phụ nữ đó, bảo chị ta là kẻ giật chồng. Có lần bà còn tát vào mặt kẻ chen chân vào gia đình cháu trai, nhưng người kia cũng chỉ trơ trơ. Rồi có lần bà đến tận nhà, chỉ lên bằng khen treo trên tường mà nặng nhẹ với mẹ bị hại.

“Tui nói mẹ hắn, bác gỡ bằng khen kia xuống đi. Con bác đi giật chồng người ta, phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Bác treo bằng khen của hội liên hiệp phụ nữ khen tặng vì đã có thành tích trong việc hòa giải các gia đình hạnh phúc mà không ngượng à”, người này kể lại.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều đổ lỗi, tại bị hại đi giật chồng người khác, ấm ức, mới đi đánh ghen. Bị cáo phân bua, mình chỉ muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, không cố ý làm tổn thương bị hại. 

“Trước khi đánh ghen, bị cáo và chồng còn tình cảm không?”. 

“Dạ còn”. 

“Bị cáo có biết hậu quả của việc đánh ghen không?”. 

Bị cáo Diễm ủ rũ, bảo mình không lường trước được và luôn miệng bảo chỉ muốn giữ chồng, giữ hạnh phúc gia đình. 

“Hành vi đó không phải là giữ hạnh phúc. Mình không thể níu kéo một người mà họ đã nhất quyết ra đi. Như vậy chỉ khổ cho bị cáo, khổ cho cả hai. Nếu sống với nhau không được, thì bị cáo nên ra tòa ly hôn”.

Đổ lỗi bị kích động

Nữ hội thẩm hỏi bị cáo Diễm: “Khi bị cáo phát hiện chồng mình có quan hệ bất chính với một phụ nữ khác, mà người phụ nữ đó lại là cán bộ làm việc ở cơ quan bảo vệ phụ nữ, sao bị cáo không gặp chủ tịch để báo cáo?”. 

Bị cáo nói có báo cáo với hội trưởng hội phụ nữ thị trấn, nhưng không có bằng chứng nên bị chối cãi. Bị cáo chỉ biết chồng mình với người kia hay nói chuyện điện thoại rất tình cảm, nhắn tin qua lại mùi mẫn. 

Bị cáo theo dõi. “Bắt gian” phải bắt tại trận. Nhưng hôm đó đến nhà nghỉ, bị cáo chưa từng đến đó lần nào, nên sợ người ta không cho vào, phải đứng cách đó 20m, đợi ròng rã 4 tiếng đồng hồ họ mới ra. Lúc xô xát, do giằng co qua lại, áo quần bị hại bị tuột ra, chứ bị cáo không cởi áo quần bị hại.

“Bị cáo thấy mình đối xử như vậy có quá đáng không? Nếu bị cáo rơi vào trường hợp như bị hại, bị làm nhục kiểu đó thì bị cáo nghĩ thế nào?”.

“Dạ bị cáo chưa rơi vào trường hợp đó nên không biết được. Bị cáo cũng chưa từng giật chồng người khác”. 

“Tôi biết bị cáo là người chung thủy. Dù bị cáo bức xúc, nhưng bị hại đã nhận sai, đã van xin tha lỗi. Nếu bị cáo giận quá, có thể tát người ta vài cái, có thể chỉ vào mặt người ta rồi nói: “Bà cướp chồng người ta, không xứng ngồi ở ghế hội phụ nữ” là được rồi. Sao có thể xé nát quần áo của họ, để họ trần truồng như thế giữa đám đông. Cũng may bị hại chỉ bị thương 8%, nếu không bị cáo còn bị truy tố về tội cố ý gây thương tích nữa”.  

Bị cáo nói, hôm đó đang ở nhà cắt giấy. Lúc nghe có người báo tin, bị cáo vội vã, rồi vô tình thả luôn chiếc kéo vào túi áo. Lúc gặp bị hại, nghe mọi người la ó, bảo “đánh đi”, “giật tóc nó”, “xé áo nó”. Tiện có cái kéo trong túi, nên bị cáo lấy ra, cắt áo quần của bị hại.

Bị hại yêu cầu bị cáo và các đồng phạm bồi thường 29 triệu đồng. Bị cáo bảo mình là chủ mưu, nên đồng ý một mình bồi thường, không để liên lụy đến những người khác. Một người kể, sau khi vụ việc xảy ra, Diễm cứ nằm dài trên giường, cứ như chính mình mới là nạn nhân của vụ án. Bỏ ăn bỏ làm, nên giờ Diễm cũng không có tiền bạc gì.  

Tòa tuyên phạt 5 bị cáo tổng số tiền là 80 triệu đồng, ngoài ra phải bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại 6,5 triệu đồng.

Đọc thêm