Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình lý giải nguồn gốc phát hiện gian lận thi cử

- Theo ông Bùi Văn Cửu (Phó Chủ tỉnh tịch Hòa Bình), nghi vấn gian lận thi THPT ở địa phương được phát hiện từ lá đơn người dân gửi lãnh đạo tỉnh.
Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình lý giải nguồn gốc phát hiện gian lận thi cử

Chiều 4/8, ông Bùi Văn Cửu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình) trao đổi với VOV.VN về nguồn gốc của việc phát hiện gian lận trong kỳ thi vừa qua.

pho cchu tich tinh hoa binh ly giai nguon goc phat hien gian lan thi cu thpt hinh 1
Ông Bùi Văn Cửu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình). (Ảnh: Hoabinh.gov.vn.)
Theo ông Cửu, sau khi tỉnh nhận được đơn tố cáo của người dân, đã báo cáo Bộ GD&ĐT.
 Hiện công an điều tra làm rõ, sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia 2018,  lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nhận được một lá đơn liên quan đến kết quả thi. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo  Sở Nội vụ, ngành công an, giáo dục. Trong cuộc họp tại văn phòng UBND, chủ tịch tỉnh chỉ đạo bàn giao sự việc cho Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình làm rõ các vấn đề liên quan.

Sau đó, Sở GD&ĐT kiểm tra và báo cáo đến Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sau đó cử đoàn về chấm thẩm định các bài thi THPT ở Hòa Bình. Sau khi chấm thẩm định, kết quả điểm chấm thẩm định công bố ngày 23/7 trùng khớp với điểm công bố ngày 11/7. Tuy nhiên, thực hiện theo chỉ đạo theo công văn 3060 của Bộ GD&ĐT, Hòa Bình vẫn tiếp tục cho kiểm tra và ngành công an vào điều tra nên có kết quả ban đầu như đã công bố.

pho cchu tich tinh hoa binh ly giai nguon goc phat hien gian lan thi cu thpt hinh 2
Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình.

Ông Cửu cho rằng, biến cố chỉ xảy ra ở một bộ phận nào đó và mong các cơ quan chức năng làm việc và sớm trả lại công bằng cho các em học sinh và phụ huynh bị ảnh hưởng.

Trước đó, theo phân tích dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của tỉnh này là 27 em, chiếm 4,8% cả nước dù số thí sinh chỉ chiếm chưa đến 1%.

Trong khi với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn nhiều so với năm nay, tỉnh này chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.

Năm 2018, số lượng bài thi Toán đạt từ 9 trở lên ở Hòa Bình gần tương đương TP. HCM (thí sinh ở TP.HCM nhiều gấp 10 lần Hòa Bình) và gấp đôi Nam Định - tỉnh có số thí sinh dự thi môn Toán gấp đôi Hòa Bình.

Tỷ lệ bài thi Toán đạt từ 9 trở lên tại Hòa Bình đạt 0,3%, gấp mức chung của cả nước 5 lần, gấp Hà Nội 3 lần và TP.HCM 7,5 lần. Hòa Bình đứng thứ hai cả nước, sau Hà Giang (trước khi điều chỉnh điểm), vượt Sơn La - tỉnh cũng có điểm thi bị can thiệp.

 Sau khi nhận thông tin về vụ việc, tối 2/8, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí, ngày 24/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Công an, đề nghị điều tra làm rõ những bất thường về điểm thi ở tỉnh này. Điều tra bước đầu xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm tăng điểm số.

Liên quan đến vụ án, sáng 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.

Chiều cùng ngày, Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can Đỗ Mạnh Tuấn (39 tuổi, Phó hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (37 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.

Cũng trong chiều 3/8, Cơ quan An ninh và Viện Kiểm sát có mặt tại một ngôi nhà ở tổ 21, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Theo đại diện tổ dân phố, ngôi nhà được ông Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Lạc Thủy) thuê trọ./.

Đọc thêm