Phó Chủ tịch UBND.TPHCM hiến kế giải quyết hệ lụy từ Pokemon Go

(PLO) -  Chỉ trong một thời gian xuất hiện tại Việt Nam, Pokemon Go  đã gây ra nhiều hệ luỵ về trật tự xã hội, an ninh mạng và nhiều tác hại đối với bản thân người chơi. Trò chuyện với báo PLVN, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND.TPHCM đã ‘hiến kế’ để giải quyết hệ lụy từ trò chơi này.   Pokemon Go khiến nhiều người thích thú,say mê không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Chỉ trong một thời gian xuất hiện tại Việt Nam, Pokemon Go  đã gây ra nhiều hệ luỵ về trật tự xã hội, an ninh mạng và nhiều tác hại đối với bản thân người chơi. 
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND.TPHCM

PV: Thưa ông, Từ đầu tháng 7/2016, trên mạng xuất hiện trò chơi Pokemon Go. Đây là một xu hướng mới về mặt công nghệ, là sự kết hợp giữa loại hình trò chơi điện tử truyền thống với công nghệ thực tế ảo.

 Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây của chính quyền Thành phố, lãnh đạo TPHCM khẳng định: “Trò chơi Pokemon Go cảnh báo trách nhiệm không chỉ của chính quyền thành phố mà còn của cả cộng đồng, đặc biệt là về vấn đề an ninh mạng. Bởi ngay sau khi du nhập vào Việt Nam, Pokemon Go đã gây ra rất nhiều hệ luỵ:

Tại TPHCM đã xảy ra nhiều vụ cướp điện thoại vì người chơi không quan sát xung quanh, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, người chơi làm ảnh hưởng chủ quyền đất nước như sử dụng thủ thuật hack vị trí thay đổi bản đồ, tụ tập đông người ảnh hưởng an ninh trật tự thành phố. Với vai trò là lãnh đạo TP, xin ông cho biết TPHCM sẽ có giải pháp gì đối với vấn đề này?

Ông Trần Vĩnh Tuyến: Nhận thấy mặt trái, những ảnh hưởng nghiêm trọng của trò chơi Pokemon Go, UBND.TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành, đặc biệtlà Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương báo cáo, làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để tìm giải pháp, hạn chế tác hại của trò chơi điện tử Pokemon Go.

Sau buổi làm việc, Bộ vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí khuyến cáo người chơi tuân thủ các nguyên tắc khi chơi Pokenmon Go như lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân; tránh cài đặt những ứng dụng giả và lừa đảo; không chơi khi đang tham gia giao thông; không chơi ở các khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay và các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng, khu vực cấm…

Trong văn bản gửi các sở, ngành, quận - huyện, tổ chức chính trị xã hội, thành phố yêu cầu thực hiện thông tin, quán triệt đến các đơn vị và quần chúng về những khuyến cáo về Pokemon Go;yêu cầu các cơ quan báo đài thực hiện tuyên truyền những cảnh báo về tác hại của trò chơi điện tử này. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, công chức viên chức, cán bộ chiến sỹ, lực lượng vũ trang chơi Pokemon Go trong giờ làm việc tại đơn vị, trong các khu vực cơ quan Nhà nước; tôi cho rằng nhắc lại vấn đề này không hề thừa vì đã có quy định nhưng còn trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm.

PV: Sau hàng loạt sự kiện như hacker tấn công sân bay, làm đình trệ nhiều chuyến bay đến và đi tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hay sự cố chuyển tiền qua ngân hàng Vietcombank, hack tài khoản qua facebook….nhiều người lo ngại về lỗ hổng an ninh mạng tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Theo ông, chính quyền Thành phố và người dân cần phải làm gì để đối mặt với thực trạng này? Nguyên nhân, giải pháp và cách khắc phục? 

Ông Trần Vĩnh Tuyến:Các sự cố bị hacker tấn công gần đây đã gióng lên hồi chuông về nguy cơ mất an toàn thông tin đang tồn tại và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các hệ thống trọng  yếu quốc gia, cũng như của Thành phố Hồ Chí Minh. Từđó cho thấy việc đảm bảo an toàn thông tin không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm, cụ thể là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng Nhà nước,sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp  và cá nhân trong toàn xã hội.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin đã được TP quan tâm chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thông tin mạng ngày càng cao trong khi một số đơn vị , cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm của các tổ chức, đối tượng xấu lợi dụng Internet gây mất an toàn thông tin mạng.

Trước tình hình đó, thành phố tổ chức lực lượng chuyên trách về an toàn thông tin tập hợp từ những chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin, hoạt động thường trực 24/7, thường xuyên giám sát, phát hiện, khắc phục, tham gia ứng cứu các hệ thống thông tin thành phố khi gặp sự cố về an ninh mạng.

Thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin tại các đơn vị. Và người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị được vận hành và hoạt động hiệu quả, nâng cao ý thức bảo mật thông tin của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan đơn vị;những vấn đề đã được quy định rất cụ thể nhưng nếu nhắc lại vẫn không hề thừa.

Tôi cho rằng tất cả chúng ta ai cũng đều có thể bị xâm hại, do vậy ý thức bảo vệ cho cộng đồng chính là bảo vệ cho chính mình.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Đọc thêm