Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tiếp tục ổn định lãi suất thời gian tới

(PLVN) - “Cắt giảm lãi suất điều hành nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế ổn định, tạo yếu tố ổn định tâm lý cho doanh nghiệp, thị trường cũng như tạo thông điệp đến các ngân hàng thương mại sẽ phải giảm lãi suất cho vay…”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp báo về thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lãi suất huy động vẫn cao ngất ngưởng

Từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất (LS) điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLVN, LS huy động của một số NHTM vẫn không có xu hướng giảm, thậm chí ngay trước khi có quyết định giảm LS điều hành của NHNN, một số NHTM đã đưa ra biểu LS huy động mới cao hơn nhiều so với trước, cao nhất lên đến 9%/năm.

Không chỉ tăng LS huy động tiết kiệm, các NHTM còn “chạy đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi với LS cao ngất ngưởng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt đang giữ kỷ lục với LS chứng chỉ tiền gửi 10,2%/năm, kỳ hạn 60 tháng.

Theo cập nhật ngày hôm qua - 2/10, mức LS cao nhất đang thuộc về NamABank, Ngân hàng Bản Việt (8,6%/năm kỳ hạn 24 tháng). BacABank LS cao nhất tuy chỉ 8,3% /năm (kỳ hạn 18- 38 tháng) nhưng đã tăng đáng kể so với tháng 9 (7,8%/năm); Đó là chưa kể nhiều NHTM còn áp dụng các chương trình khuyến mại tăng thêm LS theo số dư tiền gửi, theo độ tuổi, hoặc kỳ hạn dài hơn, các chương trình tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…

Thậm chí, huy động tiết kiệm online còn có mức LS cao hơn tiết kiệm tại quầy từ 0,1- 0,3%. Cá biệt NamABank LS huy động tại quầy chỉ 7,9%/năm kỳ hạn 36 tháng, nhưng online cũng kỳ hạn 36 tháng đã lên tới 8,7%/năm…

Lãi suất cho vay phụ thuộc ngân hàng thương mại

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc NHNN giảm LS điều hành xuống 0,25% từ 16/9 không có nghĩa các NHTM sẽ giảm LS tương ứng 0,25% vì hệ số khác nhau. “NHNN cắt giảm LS điều hành vừa qua nhằm đưa ra thông điệp rằng nền kinh tế ổn định, tạo yếu tố ổn định tâm lý cho doanh nghiệp (DN) và thị trường cũng như tạo thông điệp đến các NHTM sẽ phải giảm LS cho vay. Các NHTM căn cứ tham chiếu để điều chỉnh LS cho vay phù hợp với nền kinh tế, DN”, vị này giải thích thêm.

Trả lời PLVN về dự báo LS từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận đây là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ, làm sao để hài hoà giữa lợi ích của người đi vay và người cho vay, hài hoà được chỉ số lạm phát, hỗ trợ LS cho người đi vay nhưng cũng phải đảm bảo lợi nhuận của các NHTM để giữ hiệu quả trong hoạt động…

"Chủ trương trong thời gian sắp tới là tiếp tục ổn định LS, chứ tăng LS sẽ không có. Còn cụ thể giảm cho đối tượng nào, DN nào thì phụ thuộc vào quan hệ của đơn vị đó với NHTM, riêng đối với 5 đối tượng ưu tiên là không vượt quá 6,5%/năm, tuy nhiên còn nhiều đối tượng khác…”, lời ông Tú. 

Khẳng định LS sẽ ổn định và không tăng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng để ngỏ khả năng “còn giảm nữa hay không” khi cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. “NHNN sẽ có những bước điều chỉnh chính sách LS phù hợp"- Phó Thống đốc khẳng định.

Thông điệp từ lãnh đạo NHNN có làm cho DN an tâm khi nhu cầu tín dụng  thương mại vào những tháng cuối năm thường tăng cao là một thực tế, chưa kể không ít NHTM đã cạn room tín dụng và NHNN vẫn kiên định với quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%?

Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, lực tăng LS huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% vào ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay.

Báo cáo của NHNN cho biết, đến ngày cuối tháng 9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58%, huy động vốn tăng 9,03% so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.

Việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.

Đọc thêm