Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định, tăng trưởng tín dụng quý I không cao, chủ yếu do khó khăn của DN nên nhu cầu tín dụng chậm lại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Chủ trì cuộc họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2023 hôm qua (31/3), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong quý I/2023, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trong điều hành lãi suất, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế, trong tháng 2/2023, NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, NHTM có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Trong điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Liên quan đến điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và tiếp tục chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đẩy mạnh kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - DN tại các địa phương. Đặc biệt, trong chuỗi Hội nghị về tín dụng cho các ngành, lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN, người dân, NHNN đã tổ chức: Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS); Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023; Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.

“Kết quả, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Được biết, trước đó, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20/3/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%). Lý giải về con số tăng trưởng tín dụng trong quý I thấp, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp. Cùng với nguyên nhân, đặc thù của quý I trùng vào dịp Tết Nguyên nên tăng trưởng chậm hơn, thì theo Phó Thống đốc, “sức khỏe” nhiều DN hiện vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đặc biệt, đơn hàng của nhiều DN cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

“Từ cuối tháng 2 đến nay nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để “kích cầu”. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, theo các ngân hàng, cần thêm thời gian. Bởi nhiều DN đang sản xuất cầm chừng, nhiều khách hàng cá nhân không gồng nổi lãi suất phải cắt lỗ để lấy tiền tất toán hợp đồng vay trước hạn... khiến tín dụng khó tăng mạnh trở lại…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

NHNN đang có nhiều biện pháp đôn đốc, khuyến khích NHTM mạnh dạn cho vay, tạo cơ chế để tái cơ cấu, gia hạn những khoản nợ cũ. “Tới đây, có thể 4 NHTM Nhà nước cũng sẽ thống nhất những điều kiện cấp tín dụng với các gói vay ưu đãi lãi suất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân” - ông Tú cho biết, đồng thời khẳng định NHNN tính toán năm nay tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 14 - 15% như mục tiêu đề ra. “Hiện nay, thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, không thiếu vốn. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các NHTM giảm tiếp…” - Phó Thống đốc NHNN thông tin.

Đọc thêm