Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 được tổ chức tại khuôn viên Quốc Tử Giám - Kinh đô Huế xưa, đây là di tích trường đại học thời phong kiến còn được lưu giữ, là nơi kết tinh các giá trị văn hóa, tâm hồn, trí tuệ của các thế hệ tri thức Việt Nam qua hàng trăm năm.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, gốc của sách là tri thức, mà tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của cả một quốc gia, một dân tộc. Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Mà muốn vậy, phải thực hiện khuyến đọc. Nhiều quốc gia đã rất quan tâm đến việc khuyến đọc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Có nước có luật về khuyến đọc. Tháng 11 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Đây là một bước chuyển đổi rất quan trọng và có ý nghĩa sâu xa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi lễ. |
“Các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, sách cho bạn”; “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới”. Đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách, nhưng đa dạng hình tướng, đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hoá nhưng vẫn phải hiện đại hoá bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hoá thông qua đa nền tảng số”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Những năm qua, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhiệt huyết đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, làm cho xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày sách trong Quốc Tử Giám |
Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.”
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tin tưởng rằng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống: tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 sẽ diễn ra từ 21/4-25/4 |
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng. Các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: xây dựng văn hóa, khuyến học...; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 sẽ diễn ra từ 21/4-25/4, tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế./.