Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với các tỉnh Tây Nguyên

(PLVN) - Ngày 10/2, tại thành phố PleiKu (Gia Lai), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới .

Tham dự hội nghị về phía đoàn công tác Trung ương có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Thị Nga cũng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng các lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Theo báo cáo tại Hội nghị, việc triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho Vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022. Tính đến ngày 31.12.2022, các tỉnh vùng Tây Nguyên giải ngân được 1.348,732 tỷ đồng, đạt 34,77% kế hoạch cấp có thẩm quyền giao, thấp hơn 2,96% so với bình quân chung của cả nước (37,73%).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu những vướng mắc khó khăn cụ thể của địa phương. Theo ông Lịch, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành định mức về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung nên tỉnh gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, theo quy định thì không cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ mua đất sản xuất nên một số huyện trong tỉnh không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo, gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Lịch kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định quy định về định mức hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung như: Cho phép người dân tự mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất bằng nguồn kinh phí được hỗ trợ; hướng dẫn cụ thể đối với việc trên cùng một diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng có được nhận cùng lúc tiền thu được từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng… để địa phương có cơ sở thực hiện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số tỉnh như Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng cũng nêu một số vấn đề thực hiện mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, như ở tỉnh Kon Tum như công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương gây nhiều khó khăn cho việc cân đối, xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ cấp trực thuộc để xác định danh mục dự án đầu tư trình HĐND tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà các tỉnh Tây Nguyên đã gặp phải trong quá trình triển khai chương trình. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc triển khai các Chương trình MTQG tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung còn chậm, nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống văn bản, hướng dẫn quy định của Trung ương có những quy định còn chưa rõ, nhiều cách hiểu khác nhau nên địa phương khó thực hiện. Còn có tình trạng vênh nhau về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định, quy trình do sự tiếp nối các Chương trình trước đây và lồng ghép các chương trình hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm tập hợp, rà soát, thống kê, tham mưu cho Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo có văn bản nhắc nhở cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những việc phải làm kèm theo thời hạn phải hoàn thành. Tinh thần chung đến cuối Quý I năm 2023 phải hoàn thành các văn bản còn thiếu, có thể rà soát một số nội dung có tính chất quyết định những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ, sau đó có báo cáo Quốc hội.

Trước đó, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

Đọc thêm