Khái quát lại công tác phòng chống dịch trong thời gian qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo UBTV QH: Đến sáng nay, trên 192 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ca bệnh dương tính với Covid-19, số người nhiễm bệnh đã là 336.000, 14.600 ca tử vong
Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mẳc bệnh thì quá tải.
Đối với châu Âu, các chuyên gia đánh giá, do cách tiếp cận khác, nên dịch đã lan rất nhanh. Đặc biệt tỷ lệ tử vong rất cao ở Italy.
Theo Phó thủ tướng, trong công tác chống dịch, việc xét nghiệm cho tất cả các đối tượng nghi lây nhiễm là thách thức đối với tất cả các nước, vì trong thời gian đầu không có kít thử, sau này có thì các nước đang phát triển không có đủ phòng xét nghiệm.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là đến nay chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Tất cả thông tin đều trong quá tình thử nghiệm, mò mẫm.
Không những thế, "Do phát triển của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội, khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế đã diễn ra ở rất nhiều nước”, Phó Thủ tướng nói.
Về tình hình trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, căn cứ theo tình hình dịch, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập; phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm; thực hiện cách ly; khoanh vùng dịch, dập dịch; tăng cường năng lực điều trị; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và công tác thông tin, truyền thông bảo đảm chủ động minh bạch thông tin, hướng dẫn góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội và huy động người dân tham gia chống dịch.
Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đáng chú ý. Phó Thủ tướng đã liệt kê những khó khăn đó như xung đột với yêu cầu giao thương, giao lưu; mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ; khan hiếm máy móc, trang thiết bị vật tư y tế trong khi Việt Nam chưa sản xuất được nhiều thiết bị; năng lực đội ngũ y bác sĩ (cả về số lượng và chất lượng), cơ sở vật chất trang thiết bị còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển, khó đáp ứng được yêu cầu điều trị khi có nhiều ca bệnh diễn ra cấp tập trong một thời gian ngắn…
Tuy nhiên, trước những khó khăn đó, Phó Thủ tướng vẫn cho biết Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ.
Theo sự chủ động này, Việt Nam đã lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
Phó Thủ tướng nói: “Tình huống xấu nhất, chúng tôi dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước”
'Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh. Có dự báo đưa ra mức 600 - 4.000 người nhiễm là bình thường, 40 - 160 ca tử vong.' - Phó thủ tướng thông tin.
Dự liệu thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễ dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng.
Trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh, đánh giá cao công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, với nhiều giải pháp rất kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đồng hành sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai tốt nhất biện pháp chống dịch. Qua đây mới thấy sự đoàn kết quân dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.