Phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung

(PLO) - Ngày 6/2 tới đây, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP của VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng  (quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung) sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó quy định việc phối hợp giữa các cơ quan THTT để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ảnh minh họa

Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ

Thông tư quy định, Viện kiểm sát (VKS) và Cơ quan điều tra (CQĐT) phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án.

Điều tra viên (ĐTV) phải chủ động gửi đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu đã thu thập được cho Kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ án và thực hiện đầy đủ các yêu cầu điều tra của VKS.

KSV phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu do ĐTV đã thu thập, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, chủ động phối hợp với ĐTV để điều tra làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án. Đồng thời, qua đó kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT, bảo đảm việc điều tra vụ án khách quan, toàn diện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS).

Trước khi kết thúc điều tra vụ án ít nhất 10 ngày, ĐTV và KSV phải phối hợp để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập, bảo đảm đầy đủ, hợp pháp. Nếu phát hiện có một trong các căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung quy định tại Thông tư liên tịch này thì phải bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra.

Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, CQĐT và VKS phải tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo điều tra giải quyết những vấn đề còn mâu thuẫn, tồn tại và quyết định việc kết thúc điều tra, hướng xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Phối hợp giữa các cơ quan THTT trong giai đoạn truy tố

Sau khi nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra, KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra việc chấp hành các thủ tục tố tụng, tính đầy đủ, hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án.

KSV phải trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 183 Bộ luật Tố tụng Hình sự; nếu thấy còn thiếu chứng cứ, tài liệu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng mà tự mình có thể bổ sung được thì KSV phối hợp với ĐTV để bổ sung, khắc phục kịp thời. Trường hợp không thể bổ sung được thì KSV phải báo cáo lãnh đạo VKS để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn quyết định việc truy tố, nếu thấy vụ án có những vấn đề phức tạp về chứng cứ, tội danh hoặc trong trường hợp cần thiết khác, KSV báo cáo lãnh đạo VKS  để trao đổi với lãnh đạo CQĐT, Tòa án về hướng giải quyết vụ án.

Trường hợp phát sinh những vấn đề phức tạp, VKS chủ động tổ chức họp liên ngành để làm rõ những vấn đề cần phải điều tra bổ sung nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đúng trọng tâm, triệt để và kịp thời.

Trường hợp các cơ quan THTT cùng cấp không thống nhất được với nhau về vấn đề cần phải điều tra bổ sung, thì cơ quan THTT đang thụ lý hồ sơ vụ án phải chủ trì xây dựng báo cáo của các cơ quan THTT cùng cấp để báo cáo với lãnh đạo liên ngành cấp trên trực tiếp xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Trong giai đoạn xét xử, làm thế nào để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung?

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại Thông tư liên tịch này thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với KSV để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu KSV và Thẩm phán không thống nhất ý kiến thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Trường hợp VKS phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì VKS có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 280 của Bộ luật TTHS.

Tại phiên tòa, KSV chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Nếu có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại Thông tư liên tịch này hoặc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của KSV quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với vụ án do VKS cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Tòa án thụ lý xét xử sơ thẩm trao đổi với VKS cùng cấp để làm rõ những vấn đề điều tra bổ sung. Trước khi Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, VKS cấp dưới báo cáo với VKS cấp trên xem xét, trao đổi với Tòa án. 

Trường hợp vụ án có bị can đang bị tạm giam mà xét thấy cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trước khi hết thời hạn tạm giam ít nhất 07 ngày, Tòa án thông báo cho VKS biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

Xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

CQĐT, ĐTV chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, kịp thời yêu cầu điều tra hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKS dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề mà VKS đã yêu cầu điều tra; Không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án làm cho KSV không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra dẫn đến VKS hoặc Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

VKS, KSV chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây: Không đề ra yêu cầu điều tra hoặc không trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề có thể phát hiện được dẫn đến Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và CQĐT có văn bản giữ nguyên kết luận điều tra, sau đó VKS quyết định truy tố như đề nghị của CQĐT. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và VKS có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như quyết định truy tố của VKS.

Đọc thêm