Phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ

(PLVN) - Mùa hè nắng nóng là thời điểm trẻ dễ mắc nhiều bệnh từ nặng đến nhẹ. Phụ huynh cần có những biện pháp phòng, chống bệnh mùa nắng đồng thời cả những kĩ năng chăm sóc tại nhà để giúp con vượt qua “mùa bệnh”.
Mùa nắng nóng, trẻ vận động ngoài trời nhiều dễ say nắng, mất nước, cần sự theo sát của phụ huynh.

Những bệnh trẻ thường gặp phải mùa nắng nóng

Có mặt tại bệnh viện Nhi đồng TPHCM, anh Trần Văn Đang, ngụ quận 8, TPHCM cho biết, con trai anh 7 tuổi, hai hôm nay bị tiêu chảy liên tục, gia đình đã mua thuốc Tây ngoài hiệu thuốc uống nhưng vẫn không cầm được nên đưa cháu đến bệnh viện vì sợ mất nước. Anh Đang cho biết, mấy hôm nay cháu ăn uống cùng gia đình, cả nhà không ai bị gì, chỉ có cháu bị tiêu chảy.

Cũng có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng, chị Lê Kim Trâm cho biết, con chị bị nổi rôm sảy khắp người, ngứa ngáy không chịu nổi, đã bôi rất nhiều thuốc mỡ nhưng không giảm. Rôm sảy khiến cháu ăn không ngon, ngủ không được, phát sốt nên gia đình đưa đến bệnh viện điều trị.

Thực tế, bước vào mùa hè, nắng nóng kéo dài, trẻ rất dễ mắc nhiều chứng bệnh bộc phát do thời tiết. Bệnh tiêu chảy, đặc biệt tiêu chảy cấp là một chứng thường gặp ở trẻ vào mùa nóng bức. Lý do là do nắng nóng, thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, các loại vi khuẩn, nấm mốc hoạt động mạnh mẽ cũng khiến thức ăn dễ ôi thiu, làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy rất dễ điều trị và không để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên, nếu như không được điều trị kịp thời, bệnh tiêu chảy cấp có thể khiến bé bị mất nước nhanh chóng dẫn tới tử vong. Vì thế các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu tiêu chảy không ngừng.

Cạnh đó, mùa nắng nóng cũng là thời điểm dễ gây ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Nắng nóng khiến thức ăn không được bảo quản kỹ có thể bị ôi thiu, hỏng mốc ngay trong ngày, nhất là môi trường học đường. Ngộ độc thực phẩm nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể dẫn tới tử vong. Biện pháp xử lý khi trẻ bị ngộ độc là cho trẻ nôn hoặc đi ngoài để đẩy hết thực phẩm ra ngoài. Nếu trẻ có những biểu hiện nặng hơn, cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để bác được bác sĩ can thiệp.

Thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, quạt máy liên tục. Tuy nhiên, nếu cho trẻ sử dụng máy lạnh trong thời gian kéo dài quá mức (thường trên 4 tiếng), và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ làm cho đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô khiến cho sức đề kháng đường hô hấp của trẻ bị giảm nên trẻ sẽ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết... làm trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ăn uống kém làm sức khỏe càng bị sụt giảm. Sử dụng quạt máy liên tục, tần số cao, trực tiếp vào mặt bé cũng gây bệnh cảnh tương tự. Ngoài ra, trời nóng, trẻ thường xuyên sử dụng các loại nước giải khát mát lạnh như nước đá, kem thường xuyên cũng gây ảnh hưởng đường hô hấp.

Đây cũng là thời điểm trẻ dễ bị say nắng do nắng nóng. Nguyên nhân trẻ say nắng thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể. Có thể do trẻ ham chơi, không ý thức được nắng nóng. Say nắng nghe có vẻ như là một triệu chứng thông thường không có gì nguy hiểm. Thực tế, ngoài việc da ửng đỏ, đau đầu, mệt mỏi hoặc dẫn đến cảm nắng, trẻ còn có thể sốt cao, sốc nhiệt hoặc co giật, động kinh, hôn mê. Các bác sĩ lưu ý, phụ huynh khi thấy bé có những triệu chứng nặng do say nắng cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi cần làm mát cấp tốc cho bé bằng cách lau mát, để quạt, cho bé uống nước mát. Trẻ em say nắng, say nóng có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trời nắng nóng còn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về da như viêm da, rôm sảy, gây ngứa ngáy khó chịu. Lý do là mồ hôi ra nhiều, bí lỗ chân lông trẻ.

Thời điểm này, trẻ cũng dễ bị mắc những bệnh do virus gây ra như nhiễm siêu vi, Sốt xuất huyết, tay chân miệng, Sởi, Cúm, Thủy đậu, viêm não nhật bản, viêm màng não ở trẻ em, bệnh tay chân miệng… Hiện, tại các bệnh viên ở thành phố lớn và các tỉnh cũng đã ghi nhận sự tăng nhanh về số lượng trẻ nhập viện cũng như nhiều ca tăng nặng, thậm chí tử vong do các bệnh nói trên. Điều này đòi hỏi ở phụ huynh sự cẩn thận, theo dõi diễn biến trẻ, có kĩ năng xử lý tại nhà khi trẻ bệnh và đem đến cơ sở y tế khám chữa kịp thời khi có dấu hiệu tăng nặng.

Phòng bệnh bằng vệ sinh và dinh dưỡng

Theo bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần chú trọng phòng bệnh cho trẻ. Cần luôn tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Cha mẹ cũng cần lưu ý việc ăn uống hợp vệ sinh. Chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Cạnh đó, mùa nắng nóng cũng cần lưu ý tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Một điều quan trọng không thể quên là tiêm ngừa đầy đủ: tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.

Cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý việc chú trọng dĩnh dưỡng - ăn uống hàng ngày cho trẻ khi đôi khi mầm bệnh khởi phát từ ăn uống. Việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cũng giúp trẻ có sức khỏe tốt, cơ thể mạnh mẽ chống lại mọi bệnh tật.

Mùa nóng, thời tiết oi bức nên dinh dưỡng cho bé cần các thực phẩm tươi mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể, cần cho bé ăn các nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí, dưa chuột, cà chua, rau diếp, đậu lăng, các lọa cá, thịt gà... cung cấp nhiều vitamin, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

Bữa ăn của bé cũng cần được chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ... bên cạnh đó các bà mẹ có thể cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như rau câu, chè, hoa quả...

Phụ huynh cũng nên cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ, hạn chế cho trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, thịt mỡ, xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng… vì có thể gây khó tiêu, và mất nước. Đồng thời cần hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt.

Để phòng ngừa nguy cơ tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, nên chú ý đến thời gian bảo quản thức ăn và chất lượng, độ tươi của thức ăn. Thức ăn chế biến xong cần cho trẻ ăn ngay trong vòng 30 phút. Không cho trẻ ăn thức ăn sống, các loại đồ ăn vặt lề đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, hạn chế cho trẻ đồ uống hay kem lạnh thường xuyên để tránh viêm đường hô hấp.

Mỗi ngày trẻ em cần uống khoảng 50 - 60ml nước cho mỗi kilôgam trọng lượng cơ thể, ăn thêm nhiều canh rau và quả mọng. Trẻ con thường ham chơi, hiếu động, dễ ra mồ hôi và hay quên việc uống nước nên rất dễ mất nước. Cha mẹ cũng cần theo dõi để kịp thời bổ sung nhu cầu nước uống khi trẻ ra mồ hôi quá nhiều sau khi hoạt động thể lực, vận động hoặc mới di chuyển dưới trời nắng. Thường xuyên nhắc nhở con uống nước, cho con uống thêm các loại nước ép rau củ tự nhiên không đường, sữa tươi hoặc sữa chua nước để bổ sung nước và dưỡng chất.

Mùa nắng nóng sẽ không làm bé khổ sở vì bệnh tật, nếu cha mẹ biết những biện pháp hợp lý để phòng tránh, đồng thời bổ sung dinh dưỡng, nước đầy đủ cho trẻ.

Đọc thêm