Phòng, chống mua bán người: Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng. Năm 2022, số vụ mua bán người được phát hiện, điều tra tăng 17% so với năm 2021. Nạn mua bán người diễn ra dưới nhiều hình thức, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, vì vậy cần hình thức tuyên truyền thực tiễn, phù hợp để giúp người dân phòng tránh.
Phiên toà giả định xét xử một vụ án “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”. (Nguồn: Báo QN)
Phiên toà giả định xét xử một vụ án “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”. (Nguồn: Báo QN)

Nhiều hình thức mua bán người

Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức ngày 28/7/2023. Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tình trạng mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ cho 65 nạn nhân, tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ so với cùng kỳ năm 2022.

Nạn mua bán người diễn ra dưới nhiều hình thức như đưa người đi lao động nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, đẻ thuê, mang thai hộ, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, mua bán nội tạng dưới hình thức hiến tặng... Đây là loại tội phạm xảy ra ở hầu hết địa phương với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Có thể thấy, tội phạm mua bán người thường dựa trên điểm yếu của nạn nhân như trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhẹ dạ cả tin, mong muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Thực tế này đòi hỏi cần có hình thức truyền thông thực tiễn, phù hợp, giúp người dân nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội.

Từ nhận thức này, cũng trong khuôn khổ chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người ngày 28/7, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức phiên toà giả định xét xử một bị cáo về tội danh “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Phiên toà giả định sử dụng hình thức sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi và sát thực tiễn, đã giúp người dân tiếp cận các quy định pháp luật một cách dễ hiểu, dễ nhớ.

Tăng cường kết nối trong công tác phòng, chống

Chủ đề thế giới trong Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người ở Việt Nam năm nay là “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc kết nối giữa các đơn vị, các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống mua bán người; là điểm tựa giúp những nạn nhân bị mua bán trở về có thể tìm kiếm cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đơn cử tại Hà Nội, đây là một trong những địa bàn trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người: Với số lượng dân cư đông đúc, nhiều thành phần, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình tội phạm mua bán người tại Hà Nội ngày càng phức tạp, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP đã khởi tố 3 vụ án, 6 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.

Trước thực trạng trên, thực hiện chương trình công tác năm 2023 về tuyên truyền phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2023, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội một số huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại các xã ở cách xa trung tâm huyện.

Với mục tiêu phòng ngừa từ xa, báo cáo viên của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã cung cấp những kiến thức cần thiết về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người thường lợi dụng; giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Đội công tác xã hội tình nguyện và gia đình trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân. Báo cáo viên cũng cung cấp các địa chỉ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và số điện thoại của cơ quan có thẩm quyền để người dân kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin và hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết…

Đọc thêm