Mặc dù quy mô điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay đã mở rộng sang khu vực tư và chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về phạm vi mở rộng này.
Theo đó, nên chăng chỉ tập trung vào dạng thứ nhất là khu vực công và mở rộng khu vực tư trong phạm vi cùng tham gia với khu vực công bởi giải quyết tham nhũng trong khu vực tư có nhiều yếu tố mà thị trường tự điều chỉnh được. Còn vai trò của Nhà nước trong hoạt động này liên quan đến nhiều thiết chế rộng hơn và tập trung giải quyết các vấn đề như nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và minh bạch của hệ thống tòa án, trọng tài, tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp…
Để điều chỉnh tham nhũng trong khu vực tư, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang sửa đổi hiện nay chưa có nhiều quy định cụ thể và dường như đang lấy chuẩn mực của khu vực công để điều chỉnh cho vấn đề phòng chống tham nhũng trong khu vực tư.
Dự thảo Luật giao cho doanh nghiệp tự ban hành quy định về phòng chống tham nhũng và các cơ quan thanh tra các cấp sẽ tiến hành thanh tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa quy định rõ tiêu chí để cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận quy định do doanh nghiệp ban hành là phù hợp hay không phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhũng nhiễu, hạch sách doanh nghiệp.
Về việc kê khai tài sản, Dự thảo Luật hiện giao các doanh nghiệp căn cứ vào các quy định về kê khai tài sản đối với các công chức để ban hành quy định về kê khai tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp mình. Cụ thể, khu vực nhà nước phải kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên; khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản…
Nếu áp dụng các quy định này cho khu vực tư sẽ gây ra nhiều bất cập vì khu vực tư khác với khu vực công, công chức được giao sử dụng quyền lực công khác với doanh nghiệp kinh doanh bằng tiền của mình. Ngoài ra, nếu tài sản của lãnh đạo doanh nghiệp là cổ phần, cổ phiếu, giá trị có thể thay đổi hàng ngày, hàng giờ theo giá thị trường thì cũng khó xác định nên không thể ràng buộc một cách cứng nhắc.
Ngoài ra, Điều 99 của Dự thảo Luật cũng giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp tự căn cứ vào các quy định này để ban hành quy định về kiểm soát tài sản, trong đó có việc xử lý tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp. Nếu áp dụng quy định kiểm soát tài sản này với các doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng phần nào tới các chính sách thúc đẩy, khuyến khích kinh doanh, khởi nghiệp của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Không những vậy, việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư cũng dễ gây nên hiệu ứng hiểu ngược từ người dân. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi là với bộ máy, nguồn lực hiện tại, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua trong khu vực công thực hiện còn chưa đạt hiệu quả tối đa thì việc mở rộng ra khu vực tư có đem lại hiệu quả và có bị phân tán nguồn lực không? Một hiệu ứng khác phải kể đến là nguy cơ lạm quyền vì vẫn chưa có cơ chế giám sát các cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Do vậy, một số doanh nghiệp lo ngại rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và áp dụng cách thức điều chỉnh của khu vực công sang khu vực tư như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng của chính hệ thống thực thi và giám sát thực thi chống tham nhũng trong khu vực tư nhân. Vì thế, cần đánh giá thận trọng và toàn diện để đảm bảo lợi ích phòng chống tham nhũng trong khu vực tư đạt được phải lớn hơn so với các rủi ro và chi phí nó gây ra.